|
|||
Đây là chủ đề được đưa ra tại buổi tọa đàm “Kinh nghiệm và phương pháp xây dựng chiến lược khoa học công nghệ - Định hướng chiến lược cho nhà khoa học trẻ” do Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL) tổ chức mới đây tại Hà Nội. Người tài là hạt nhân của một chiến lược tốt Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Mai Hà Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KH&CN cho rằng, chiến lược KH&CN cũng giống như chiến lược nói chung, sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Một chiến lược KH&CN tốt thì chắc chắn cần phải sử dụng người tài, người trí thức của KH&CN.
Một chiến lược KH&CN tốt thì chắc chắn cần phải sử dụng người tài, người trí thức của KH&CN (ảnh minh họa)
Muốn xây dựng chiến lược thì trước hết cần phải xác định được bối cảnh hiện trạng theo bốn yếu tố, bao gồm: S (strength: đểm mạnh) – W (weakness: điểm yếu) – O (opportunity: cơ hội) – T (threat: thách thức), cùng với đó là nhân lực, tài lực, vật lực và tiềm lực. Trả lời được hết các câu hỏi này thì sẽ nhìn nhận được hiện trạng của đối tượng đang được nghiên cứu cho phát triển. Ngoài ra, một chiến lược cần phải có mốc thời gian cụ thể và phải kiểm định được. TS.Mai Hà nhấn mạnh. Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN kiêm Chủ tịch VSL Nguyễn Hoàng Hải, buổi tọa đàm mong muốn đem lại những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn thiết thực cho các nhà khoa học trẻ trong việc hoạch định chiến lược KH&CN cho bản thân, đơn vị và tổ chức, giúp các nhà khoa học trẻ tiết kiệm thời gian tìm đường hướng cho sự nghiệp của mình và có thể đạt tới những thành công xuất sắc trong sự nghiệp. Các buổi hội thảo, tọa đàm này là một trong các hoạt động sinh hoạt thường xuyên của VSL nhằm tạo không gian và thời gian để các nhà khoa học cũng tiếp nhận những kiến thức mới và trao đổi, chia sẻ những hoạt động khoa học với nhau. TS. Trịnh Thị Thúy Giang – Phó Chủ tịch VSL cho biết, việc hình thành các câu lạc bộ nhà khoa học ở các trường đại học không phải là mới song hoạt động của VSL trong những năm qua đã tạo ra được dấu ấn riêng. Với một cách thức hoạt động mềm dẻo, linh hoạt, thông qua các chương trình Cà phê định kì hàng tháng với những chủ đề hữu ích, VSL đã tự thân tạo nên sức hút, thu hút sự tham gia tự nguyện của các nhà khoa học trẻ ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Phần lớn, các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều xây dựng các vườn ươm để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, tiềm năng. Không ít những sản phẩm khoa học công nghệ, ý tưởng kinh doanh xuất sắc khởi nghiệp từ nơi đây. VSL hỗ trợ các thành viên phát triển theo lộ trình cá nhân, đạt các yêu cầu về học hàm, học vị, nâng cao năng lực về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu ĐHQGHN. Đồng thời, VSL tạo sự gắn kết các nhà khoa học để từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành có khả năng triển khai được các đề tài nghiên cứu khoa học lớn trong và ngoài nước. Hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đẩy mạnh công bố khoa học quốc tế. TS. Trịnh Thị Thúy Giang nhấn mạnh. Định hướng chiến lược cho nhà khoa học trẻ Theo TS. Mai Hà, KH&CN là công cụ sắc bén của phát triển quốc gia. Công cụ này chỉ được sử dụng khi quá trình cần hiệu quả đích thực. Công cụ này bắt buộc phải được dùng khi có cạnh tranh sinh tồn. Sự phát triển quốc gia cần 8 chữ vàng là: Then chốt - Động lực - Nền tảng - Quốc sách. Trong đó, then chốt của sự phát triển là lãnh đạo quốc gia đủ tầm để xác định chủ thuyết Khoa học phát triển quốc gia. Động lực của phát triển là môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nền tảng của phát triển là nền văn hóa vì sự phát triển. Và quốc sách trong phát triển có thể là bất cứ lĩnh vực nào, tùy từng giai đoạn lịch sử và phụ thuộc vào tầm dư duy chiến lược và bản lĩnh hành động của lãnh đạo quốc gia. Chiến lược là tổ hợp của một hoặc nhiều giải pháp đặc biệt nhằm thực hiện những mục tiêu mang tính chất quyết định đối với một cá nhân, tổ chức và chỉ khi có cạnh tranh thì mới cần xây dựng chiến lược. Ngược lại, các công cụ khác mà khoa học quản lý cung cấp cho mọi người như làm kế hoạch hay làm dự báo, hoàn toàn hữu dụng. Điểm trọng yếu của chiến lược chính là mục tiêu, đi kèm với đó là định mức cụ thể. Với triết lí giảng viên – nhà khoa học của ĐHQGHN, thì sự phát triển nghiên cứu khoa học sẽ là động lực và phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm cho cộng đồng và phục vụ xã hội. ĐHQGHN xác định nghiên cứu khoa học là nền tảng, là động lực của mọi hoạt động, khi thực hiện tốt nghiên cứu khoa học sẽ giúp nâng cao trình độ và chất lượng các giảng viên, nhà khoa học. Để minh chứng cho quan điểm, việc cống hiến của cá nhân và sự phát triển của tổ chức là vấn đề lớn mang tính hệ thống, và con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại trong mọi việc, thời gian tới VSL sẽ không ngừng đổi mới phương thức quản lý và đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động (giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, và phát triển nguồn nhân lực) theo quan điểm về quản trị chiến lược đại học tiên tiến; trên tinh thần tin tưởng và gắn kết các hoạt động chung của ĐHQGHN với các nhà khoa học để vừa lấy nhà khoa học làm điểm tựa, vừa thúc đẩy các nhà khoa học phát triển, đổi mới, sáng tạo trong môi trường tự do học thuật. Bên cạnh đó, tập trung vào những nhiệm vụ như: hỗ trợ phát triển thành các nhóm nghiên cứu tiềm năng, nhóm nghiên cứu mạnh tạo ra các sản phẩm KH&CN độc đáo, có giá trị khoa học và thực tiễn cao; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật, ngoại ngữ, giáo dục. Phát huy năng lực nội sinh về KH&CN và khuyến khích nhóm sản phẩm KH&CN mang tính liên ngành. Bài, ảnh: Huyền Minh
|