Bản in
Hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đông Nam Bộ: Từng bước phát triển
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ (Techfest Đông Nam Bộ) lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong khuôn khổ sự kiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN.

PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của các dự án khởi nghiệp tham gia Techfest Đông Nam Bộ năm nay?

- Ông Phạm Hồng Quất: Trong cuộc thi chung kết Techfest năm nay chất lượng của các dự án tham gia đã được cải thiện nhiều và đa dạng trong các lĩnh vực từ nông nghiệp cho đến du lịch kết hợp với văn hóa bản địa cho đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, giao thông và các vấn đề thực tiễn của xã hội…Trong đó, nhiều giải pháp được các nhà đầu tư đánh giá cao. Cảm nhận chung của các nhà đầu tư tham gia Techfest lần này đánh giá rất cao về hàm lượng chất xám, khả năng ứng dụng công nghệ, ý thực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các dự án. Chúng tôi tin rằng trong cuộc thi này sẽ lựa chọn ra được những dự án xứng đáng tham gia kỳ thi cấp quốc gia cùng nhiều dự án nhận được sự quan tâm và cam kết đầu tư của trong nước cũng như quốc tế.

Một trong những sự thay đổi có thể nhìn rõ của các startup năm nay của vùng Đông Nam Bộ là cách thức trưng bày, giới thiệu sản phẩm được thay đổi rõ nét. Cách thức thuyết trình các sản phẩm đã được thay đổi rất rõ, năng lực của đội nhóm tham gia năm nay thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp và khả năng thuyết phục nhà đầu tư. Họ không thuyết trình quá nhiều các vấn đề mang tính kỹ thuật, mà họ đã biết quan tâm đến vấn đề thị trường, đầu tư, mô hình kinh doanh. Đây là dấu hiệu cho thấy các dự án đã được huấn luyện chuyên nghiệp hơn. Từ đó để thấy được hiệu quả của các dự án kêu gọi đầu tư sẽ được cải thiện hơn.

PV: Thưa ông để các dự án khởi nghiệp có thể duy trì và phát triển sau khi đã thành công, cần có những chính sách như thế nào, thưa ông?

Để dự án từ ý tưởng đến sản phẩm, từ sản phẩm sang mô hình kinh doanh, từ mô hình kinh doanh có thể phát triển và nhân rộng có quy mô thị trường đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức của nhiều chủ thể khác trong đó có vai trò của chính quyền địa phương và đội ngũ các doanh nhân đi trước, các nhà đầu tư. Vì vậy các chương trình hỗ trợ theo Đề án 844 của Trung ương và địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã thể hiện sự quyết tâm hỗ trợ cho các startup của vùng Đông Nam bộ cũng như ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Tiêu biểu như: tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020 (theo đề án 844), hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2019-2025. Hiện tại tỉnh đã hình thành những tổ chức hỗ trợ, CLB khởi nghiệp, vườn ươm, không gian làm việc chung, các chương trình đào tạo, đầu tư, cố vấn khởi nghiệp,…

Đặc biệt, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được thiết lập qua đó đã thu hút được các nhà đầu tư, các doanh nhân và các huấn luyện viên từ các tỉnh khác trong vùng đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh xuống hỗ trợ và giúp các bạn tiếp cận được các thị trường lớn hơn trong khu vực và trên thế giới.

Khu vực trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp vùng Đông Nam Bộ

PV: Thời gian tới các trung tâm khởi nghiệp cần phải có những chính sách như thế nào để hỗ trợ cho các trung tâm khởi nghiệp, thưa ông?

Các startup cũng cần tăng cường tính chủ động vì khởi nghiệp là một tinh thần tìm kiếm, chinh phục, thuyết phục khách hàng và thị trường, chúng ta không nên ngồi chờ các nhà đầu tư và khách hàng đến với chúng ta, việc thứ 2 là chúng ta phải có sự kết nối tốt hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Chúng tôi đang khuyến khích các địa phương thành lập các Khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp với chất lượng dịch vụ cao hơn từ sở hữu trí tuệ cho đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng, lưu hành sản phẩm, maketing và những dịch vụ hỗ trợ về mặc pháp lý. Mỗi một địa phương tập trung ở một đầu mối khi các startup có nhu cầu hỗ trợ đến một điểm có thể gặp các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ và kết nối. Mô hình này hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển chúng tôi muốn nhân rộng ra các thành phố khác để dần trợ thành mạng lưới quốc gia về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho các startup phát triển.

PV: Ông có lời khuyên gì đối với các Startup của khu vực vùng Đông Nam Bộ?

Tại sự kiện Startup World Cup năm 2019, dự án Abivin của Việt Nam, từng vô địch Techfest quốc gia năm 2018 đã xuất sắc vượt qua nhiều dự án khởi nghiệp đến từ 40 quốc gia để giành giải Nhất với số tiền đầu tư lên tới 1 triệu USD. Qua đó, cho thấy trí tuệ Việt Nam đã được khẳng định qua các cuộc thi mang tầm quốc tế, hiệu quả của việc gọi vốn đã được khẳng định thông qua các giao dịch đầu tư thể hiện trong những năm vừa qua. Ở phạm vi quốc gia đã có được tên trên bản đồ thế giới, ở góc độ cấp vùng, cấp địa phương là một cấu thành rất quan trọng để tạo hình hệ sinh thái quốc gia. Chúng tôi rất mong muốn các Startup của các địa phương thường xuyên cập nhật các thông tin mới để ứng dụng nhiều nhất những mô hình kinh doanh mới, những công nghệ mới nhất để có thể phát triển các dự án khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Đăng Minh