Bản in
Việt Nam tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu
Là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều biện pháp và nỗ lực ứng phó.

Kết quả phân tích các số liệu khí tượng thủy văn trong 50 năm (1958-2008) nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng lên từ 0,5 đến 0,7 độ C, lượng mưa giảm khoảng 2%.

Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam giảm đi rõ rệt xong các biểu hiện dị thường lại hay xuất hiện. Cụ thể nhất là đợt gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày liên tục ở miền Bắc hồi đầu năm 2008 và đợt từ đầu năm 2011 đến nay chưa kết thúc. Bão có cường độ mạnh, đường đi phức tạp xuất hiện nhiều hơn và mùa bão cũng kết thúc muộn hơn.

Mực nước biển dâng trung bình ở Việt Nam hiện nay là khoảng 3mm/năm. Mực nước biển dâng làm sự an toàn hệ thống đê sông, đê biển và hệ thống hồ chứa bị đe dọa, chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi gây xói lở bờ.

Trong một dự báo của Ngân hàng thế giới, nhiệt độ trung bình của Việt Nam có thể tăng thêm 3 độ C và mực nước biển dâng cao 1m vào năm 2100. Như vậy, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hầu như toàn bộ, 10% dân số sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống và phát triển kinh tế nên theo ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN - MT), Đảng, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai những hoạt động cụ thể như phê chuẩn công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; Phê chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, ủy quyền cho Bộ Tài nguyên Môi trường thông báo cho các địa phương làm cơ sở xây dựng chương trình hành động ứng phó.

 Ông Nguyễn Quang Vinh, phó Giám đốc văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng ngoài sự nỗ lực của chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước thì doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tốc độ và tác hại của BĐKH bằng cách cam kết cắt giảm lượng khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư sử dụng các công nghệ xanh, công nghệ sạch để bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, Bộ TN - MT đang tích cực nghiên cứu xây dựng nâng cao hiệu quả đê biển, đê vùng ĐBSCL; bảo vệ và phát triển rừng; triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là bão, lũ, triều cường; các giải pháp để giữ vựa lúa ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng; hiện đại hóa, đồng bộ hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng - thủy văn để ứng phó với BĐKH.