|
|||
Ngày 18/7, tại Hà Nội, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ KH&CN), Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội” (KX.01/16-20) đã tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước nhiệm vụ: “Chính sách quản lý di động xã hội đối với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” Mã số: KX01.01/16-20 do PGS.TS. Đào Thanh Trường, Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm chủ nhiệm. Báo cáo tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Đào Thanh Trường cho biết, mục tiêu của nhiệm vụ là nghiên cứu cơ sở lý luận về di động xã hội đối với nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nghiên cứu cơ sở lý luận về hoạch định và phân tích chính sách quản lý di động xã hội của nguồn nhân lực KH&CN nghệ chất lượng cao. Ngoài ra, nhiệm vụ cũng đưa ra dự báo sự phát triển của di động xã hội đối với nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao của Việt Nam. Đồng thời đề xuất các giải pháp chính sách quản lý di động xã hội đối với nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài đạt được trong việc đóng góp hoàn thiện chính sách quản lý nhân lực KH&CN chất lượng cao tại các đơn vị mà đề tài tiến hành khảo sát, góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách phân tích được hiệu quả và những rào cản từ các chính sách đã công bố về quản lý nhân lực KH&CN nói riêng và quản lý nhân lực KH&CN chất lượng cao nói chung của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, đề tài cũng góp phần hình thành hệ thống lý thuyết khoa học về chính sách quản lý di động xã hội của nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, góp phần làm rõ về mặt luận cứ khoa học về tính tất yếu của hiện tượng di động xã hội của nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao và vai trò của chính sách quản lý di động xã hội của nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sử dụng làm luận cứ để rà soát thực trạng chất lượng nguồn nhân lực KH&CN tại đơn vị mình và chuẩn bị những chiến lược, chính sách quản lý di động xã hội nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao trong thời gian tới. Tin, ảnh: Diệu Huyền
|