|
|||
Tham dự Diễn đàn có ông Lee Sang Hoon, Chủ tịch Trung tâm Năng lượng tái tạo, Cục Năng lượng Hàn Quốc; PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCHTW Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN; bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương; ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN; ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN; Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN; PGS.TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện nhà quản lý và doanh nghiệp. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí...dần cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp đã mang tới sự phát triển đáng ghi nhận của ngành năng lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Nếu tính cả thủy điện thì Việt Nam có tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp nói chung và tổng điện năng phát ra nói riêng vào nhóm các nước cao nhất thế giới. Tuy nhiên, thách thức trong giai đoạn tới là rất lớn khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh kéo theo nhu cầu ngày càng cao về năng lượng, cùng với đó là tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu cũng như tiềm tàng khả năng bất ổn về kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng tỉ trọng nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng như sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn năng lượng truyền thống.
PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn
Ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế lớn với sự nguồn năng lượng tái tạo dồi dào: 63% diện tích lãnh thổ có thể phát triển điện gió với tiềm năng khoảng 2 triệu MW; nguồn bức xạ trải dài từ bắc tới nam với cường độ cao, đủ để khai thác điện mặt trời. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vẫn chưa khai thác một cách hiệu quả, tính đến tháng 5/2019, cả nước có 57 nhà máy điện mặt trời và điện gió đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 2,800MW và sản lượng đã phát trong tháng 5 là khoảng 200 triệu kWh.
“Một trong các chiến lược quan trọng để ngành năng lượng vượt qua các thách thức trong giai đoạn phát triển sắp tới là đẩy mạnh sự liên kết giữa khu vực viện trường với doanh nghiệp để nghiên cứu làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ, đồng thời đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Cùng với đó là cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương cũng như bạn bè quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ được các công nghệ tiên tiến”, ông Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Ông Lee Sang Hoon chia sẻ, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều vùng ở Việt Nam có nguồn năng lượng gió phong phú, năng lượng mặt trời ở mức cao do đó thuận lợi để phát triển điện mặt trời, điện gió góp phần vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Trong tương lai không xa Việt Nam rất có tiềm năng trở thành trung tâm của thế giới về năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ là hai nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu và chiếm khoảng 20% năng lượng quốc gia. Để phát triển mở rộng các dự án năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực xúc tiến, ban hành các chính sách liên quan. Ông Lee Sang Hoon bày tỏ hi vọng rằng, thông qua Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2019, mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Hàn – Việt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ phát triển tốt đẹp.
Diễn đàn nằm trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao và mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng - kinh tế - xã hội bền vững; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.
Các hoạt động diễn ra liên tục trong suốt 3 ngày từ ngày 25 - 27/6/2019, Ban tổ chức hi vọng rằng Diễn đàn sẽ có đóng góp phần nào cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam, từng bước nâng cao năng lực công nghệ, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ trong lĩnh vực hết sức quan trọng này.
Với sự tham dự của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp từ Hàn Quốc sẽ được cụ thể hoá qua các dự án chuyển giao công nghệ và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mà doanh nghiệp hai nước đang ấp ủ. Diễn đàn là cơ hội tốt để hai Bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới.
Bài, ảnh: Hà Chi |