|
|||
KH&CN đưa doanh nghiệp bứt phá Trong thời đại ngày nay KH&CN là một trong những con đường ngắn nhất để đưa doanh nghiệp bứt phá, phát triển. Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ trọng đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp mới chỉ khoảng 1% GDP và chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Còn khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tham gia nhiều vào hoạt động nghiên cứu và triển khai. Về vấn đề này, Chính phủ cũng như Bộ KH&CN đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Trong đó Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 là một trong những chương trình trọng điểm của Bộ KH&CN nhằm tập trung phát triển về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến. Công nghệ tế bào gốc là một ngành nghiên cứu mới phát triển rất nhanh trên thế giới. Trong thời gian qua, công nghệ tế bào gốc đã có nhiều thành tựu quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội và phát triển KH&CN trên toàn cầu. Đặc biệt trong các lĩnh vực như y học, dược học và nông nghiệp. Thị trường toàn cầu về tế bào gốc đạt 48 tỷ USD vào năm 2016 và dự kiến sẽ đạt 377 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản nào được ban hành, hướng dẫn hay quy định nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, dẫn đến việc nhiều đơn vi thiếu cơ sở vật chất, năng lực và công nghệ đã lạm dụng tế bào gốc trong nhiều ứng dụng thiếu cơ sở khoa học, gây hoang mang cho cộng đồng. Trước vấn đề này rất cần 1 công trình đánh giá được hiện trạng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam và thế giới, cũng như đề xuất công nghệ và định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc đến năm 2030. Ở nước ta sự phát triển của việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã bắt đầu từ năm 1995, tăng dần trong những năm gần đây và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Hiện nay trên cả nước có 53 đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc và khoảng 50 đơn vị ứng dụng các sản phẩm từ tế bào gốc trong thẩm mĩ. Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều cơ sở triển khai nghiên cứu tế bào gốc như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM; Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch; Trường ĐH KHTN Hà Nội; Học viện Quân Y; Viện CNSH… Đồng thời, nhiều cơ sở y tế đã quan tâm và mạnh dạn ứng dụng tế bào gốc trong thời gian 5 năm trở lại đây, hiện nay có khoảng 20 cơ sở ứng dụng tế bào gốc trong đó có một số đơn vị mạnh như Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, Bệnh viện 103; Bệnh viện Vinmec, Học viện Quân Y; Bệnh viện Vạn Hạnh, … đối với một số bệnh như: bệnh lý về huyết học như leukemia, lymphoma, thalassemia, da liễu, xương khớp, tim mạch, thần kinh, loét đái tháo đường, mắt. Tuy nhiên, hầu hết các quy trình ứng dụng tế bào gốc trong điều trị là ghép tự thân tế bào gốc; và hầu hết việc ghép tế bào gốc ở dạng tế bào chưa nuôi cấy. Sự phát triển của nghiên cứu và ứng dụng dần được quan tâm và đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân. Trong 5 năm qua, một số nhà đầu tư đã bắt đầu đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, nổi bật như Công ty Cổ phần Hoá dược phẩm Mekophar (có ngân hàng tế bào gốc Mekorstem), Công ty TNHH Thế Giới Gen, Công ty CNSH Trí Phước…Các công ty này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và doanh thu, ví dụ như công ty Thế giới Gen chỉ với 2 sản phẩm (Kit sử dụng để tách huyết tương giàu tiểu cầu và Sản phẩm mĩ phẩm trẻ hoá da) được chuyển giao công nghệ từ Viện tế bào gốc – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đạt doanh thu 10 tỷ VNĐN trong năm 2015, 31 tỷ VNĐ trong năm 2016, tiếp tục tăng trưởng 30% năm 2017. Mặc dù là một lĩnh vực tiềm năng như vậy, nhưng hiện nay ở nước ta những nhận thức chính xác và đầy đủ về tế bào gốc còn khá hạn chế. Một số công ty, doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để thương mại. Nghiên cứu phát triển công nghệ tế bào gốc Xuất phát từ thực tế trên, GS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện tế bào gốc, Đại học Quốc gia TP.HCM đã chủ nhiệm đề tài nhằm nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực Y dược và nông nghiệp.
Việc xây dựng hệ thống bản đồ công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc giúp xác định lộ trình để đổi mới công nghệ GS.TS. Phạm Văn Phúc cho biết, ở Việt Nam theo đánh giá chủ quan của nhiều người thì nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, và thiếu tính chất cạnh tranh. Do đó, việc đánh giá một cách toàn diện về hiện trạng, năng lực và công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam, của các Công ty ở Việt Nam về công nghệ tế bào gốc như thế nào, thì từ trước đến nay chưa có ai làm việc đó. Đặc biệt, làm sao để chỉ ra được ở Việt Nam chúng ta nên làm cái gì, nên phát triển công nghệ tế bào gốc theo hướng nào để đem lại giá trị kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân. Năng lực công nghệ tế bào gốc của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình của thế giới. Một số công nghệ mới như tách chiết mô rắn, nuôi cấy bám dính 2D,biến đổi biệt hóa và bảo quản là ở mức độ tiên tiến so với các nước trong khu vực. Với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước trong 10 năm qua là khoảng 200 tỷ đồng thì đây là những thành tích đạt được đáng ghi nhận của Việt Nam. Sự phát triển của nghiên cứu và ứng dụng dần được quan tâm và đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân. Trong 5 năm qua, một số đơn vị đã đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, các công ty này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và doanh thu qua các năm. Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, với việc xây dựng hệ thống bản đồ công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc cho chúng ta một bức tranh tổng thể xem chúng ta đang sở hữu các công nghệ này như thế nào và công nghệ này ai đang sở hữu. Trên nền như vậy, chúng ta xác định lộ trình để đổi mới công nghệ, trong đó có những công nghệ chúng ta có thể phát triển được bằng nội lực của chúng ta dựa trên đánh giá hiện trạng năng lực nghiên cứu của chúng ta trong nước. Những công nghệ nào chúng ta có thể phát triển trong nước được, chúng ta cần đầu tư cho các viện, trường để nghiên cứu. Với những định hướng trên, Bộ KH&CN đã tăng cường đầu tư cho công nghệ tế bào gốc, cụ thể là dự án nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ do Viện tế bào gốc thuộc ĐHQGTPHCM cũng như hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh để hoàn thiện công nghệ sản xuất sản phẩm chứa tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và ứng dụng trong điều trị bệnh lý thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống. GS.TS. Phạm Văn Phúc cho biết, khi khảo sát và phân tích mới thấy được sự thật ở Việt Nam về công nghệ tế bào gốc là mức độ sẵn sang công nghệ còn thấp, ở các công ty chỉ cần mức độ công nghệ cao là 7 8 9 còn ở các đơn vị nghiên cứu họ chỉ tạo ra được công nghệ ở mức sẵn sàng thấp hơn là 1 2 3. Như vậy, ở mức 4 5 6 là mức hiện tại Việt Nam chúng ta không có ai làm. Như vậy cần phải có một đơn vị họ chuyển các kết quả nghiên cứu từ mức 1 2 3 lên mức 4 5 6 rồi khi đó mới chuyển qua doanh nghiệp họ làm mức 7 8 9. Theo khảo sát, nhu cầu lớn nhất của người dân Việt Nam khi ủng hộ phát triển tế bào gốc là để chữa ung thư và bệnh đái tháo đường. Nhu cầu này được cho là khác xa so với thế giới, khi thị phần sử dụng tế bào gốc hiện nay có tới một nửa là dùng để làm đẹp và chữa các bệnh về tim mạch. Những kết quả nghiên cứu về tế bào gốc đã thể hiện sự chủ động, tích cực sáng tạo của các nhà khoa học đã đạt được những thành tựu bước đầu nhất là trong điều kiện nền kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn trong hoạt động nghiên cứu. Vì vậy dù là đi sau nhưng Việt Nam đã nắm bắt và có những hướng đi đúng của thế giới trong lĩnh vực tế bào gốc. Bài, ảnh: Hà Chi
|