|
|||
Tiến sĩ Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Vinacomin, cho biết: Theo phương án sản xuất của Vinacomin, đến năm 2015, sản lượng than khai thác hằng năm phải đạt hơn 60 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác than hầm lò từ 65% trở lên, tăng tuyệt đối 20 triệu tấn trong năm năm. Vấn đề đặt ra là ngay từ bây giờ phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các mỏ hầm lò mới, và đào lò xây dựng cơ bản, hoàn thiện các biện pháp quản lý kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất than. Kết thúc mùa than năm 2010, Vinacomin khai thác 46,8 triệu tấn than nguyên khai, tăng 6,7% so năm trước. Trong đó, sản lượng than hầm lò đạt gần 20 triệu tấn, bằng 43%. Mục tiêu năm 2011, phấn đấu sản xuất hơn 47 triệu tấn, trong đó than hầm lò gần 21,6 triệu tấn, chiếm 46%. Nhu cầu than phục vụ nền kinh tế đất nước ngày một tăng cao, trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn, các mỏ than lộ thiên dần cạn kiệt. Cùng với việc tăng sản lượng khai thác, vấn đề bảo đảm an toàn cho người lao động, giảm thất thoát tài nguyên đang là mục tiêu hàng đầu của ngành than. Vì thế, việc đầu tư, đổi mới công nghệ được xác định là yếu tố quan trọng trong thời gian tới, nhất là công nghệ khai thác. Năm qua, Vinacomin đã kết thúc đầu tư và chuẩn bị đưa vào khai thác dự án phần lò giếng mỏ Vàng Danh, dự án đầu tư mở rộng sản xuất ở Công ty than Mạo Khê công suất 1,6 triệu tấn/năm. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng công suất các mỏ cũ và xây dựng một số mỏ mới, như Khe Chàm III, dự án khai thác dưới mức âm 75 m mỏ Thành Công, dưới mức âm 50 m mỏ Hà Lầm,... Mỏ Quang Hanh đã đầu tư hệ thống kiểm soát người ra vào mỏ và điều hành sản xuất bằng hệ thống đàm thoại không dây. Ðang tiếp tục triển khai ở nhiều đơn vị khác, tiến tới xây dựng hệ thống quản lý điều hành sản xuất tập trung. Vinacomin đã đưa vào vận hành 30 hệ thống giám sát khí mỏ tự động ở 25 mỏ hầm lò để bảo đảm yêu cầu tất cả các mỏ có khí mê-tan đều được kiểm soát. Mười lò chợ sử dụng giá ZH, GK, giá thủy lực di động liên kết bằng xích cũng được đưa vào sản xuất tại một số mỏ như Nam Mẫu, Khe Chàm, Thống Nhất, Ðông Bắc,... Cuối năm 2010, Công ty than Hà Lầm đã hoàn thành đầu tư hơn 31 tỷ đồng lắp đặt 55 giá thủy lực di động liên kết bằng xích trong lò chợ ở mức từ âm 50 đến âm 70 m. Loại giá này có ưu điểm sức chịu tải lớn (180 tấn), khả năng làm việc đến góc dốc 45o, phù hợp việc khai thác lò chợ chiều cao khấu từ 2 đến 2,2 m. Ðây là thiết bị chống giữ lò kiểu mới, có tính an toàn và thích ứng cao, trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển và có thể di chuyển ngang. Giá chống này có thể dùng trong điều kiện lò chợ đá vách bở rời, đá trụ yếu, dễ lở gương, nhiều phay phá, góc dốc lò chợ theo hướng biến đổi lớn. Trong các nhóm giải pháp chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2011, lãnh đạo Vinacomin nhấn mạnh việc đầu tư đổi mới công nghệ, coi đây là giải pháp quyết định để tăng sản lượng. Viện Khoa học - công nghệ mỏ - Vinacomin là đơn vị chuyên nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu sản xuất vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành than. Nhiều kết quả, sản phẩm nghiên cứu của Viện được đưa vào áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Công nghệ khai thác than cơ giới hóa đồng bộ bằng máy khấu com-bai của Viện đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại mỏ Vàng Danh, đem lại kết quả khả quan. TS Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn, cho biết: Ðây là dây chuyền kỹ thuật kết hợp giữa máy cắt vỉa than com-bai với dàn chống di chuyển tự động, khắc phục nhược điểm của dàn chống cố định, hạn chế sử dụng trực tiếp người lao động trong khai thác, giảm đáng kể tai nạn lao động. Dây chuyền vận hành khá ổn định, an toàn, sản lượng khai thác đạt khoảng 210-240 nghìn tấn/năm, áp dụng trong điều kiện vỉa dày từ 3,5 đến 10 m, độ dốc đến 35o. Năm 2010, Viện tiếp tục liên kết với Công ty than Vàng Danh theo hình thức nhận thầu khai thác bằng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa trên cơ sở áp dụng sản phẩm khoa học - công nghệ nội địa hóa dàn chống tự hành Vinaalta-1. Mặc dù điều kiện khai thác không thuận lợi, nhưng sản lượng khai thác vẫn đạt 142 nghìn tấn, doanh thu hơn 27 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả ứng dụng tại Vàng Danh, Viện đang triển khai hợp tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới tại Công ty than Nam Mẫu, tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng trong thời gian tám năm với quy mô công suất khai thác 450 nghìn tấn/năm theo hình thức góp vốn đầu tư, trong đó Viện tham gia với tỷ lệ 30%. Viện đã hoàn thành lắp đặt hơn 1.200 tấn thiết bị trong lò chợ dài hơn 100 m, từ đầu tháng 8 đến hết năm 2010 đã khai thác được 75 nghìn tấn than. Chúng tôi vừa có dịp khảo sát quá trình vận hành của máy khấu than com-bai trong hầm lò của mỏ Nam Mẫu thấy rõ hiệu quả của đầu tư công nghệ mới. Chỉ với một công nhân điều khiển máy khấu, từng dòng than ào ào tuôn chảy ra máng cào, hiệu suất làm việc cao và an toàn hơn nhiều so với phương pháp khai thác bằng nổ mìn, cào bóc như trước. Phó Giám đốc Công ty than Nam Mẫu Vũ Văn Hải, cho biết, so với giá thành nhập khẩu, công nghệ này giúp tiết kiệm 28%, hiệu quả khai thác không thua kém công nghệ nhập khẩu. Công ty than Khe Chàm là đơn vị luôn tìm tòi, thử nghiệm ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất than hầm lò. Nhiều công nghệ mới như cột chống thủy lực đơn, giá chống, máy khấu MG 200, hệ thống cảnh báo khí CH4,... đã được áp dụng vào sản xuất thành công. Sắp tới, công ty tiếp tục thử nghiệm công nghệ dàn chống siêu nhẹ, cột thủy lực nước, trạm giám sát người ra vào lò, hệ thống kiểm soát định vị bằng thẻ từ. Phó Tổng giám đốc Vinacomin Vũ Mạnh Hùng, đánh giá cao 'cuộc bứt phá' của thợ mỏ Khe Chàm, một sự dũng cảm không phải ai cũng dám làm. Quá trình thử nghiệm thành công công nghệ chống giữ lò chợ bằng cột thủy lực đơn và máng cào mềm đã đưa năng suất lò chợ từ 40 đến 50 nghìn tấn/năm tăng lên 120 nghìn tấn/năm, sau đó đạt 150 nghìn tấn/năm. Công nghệ cơ giới hóa khấu than lò chợ bằng máy khấu com-bai MG 200 W1 kết hợp giá thủy lực XDY và vận tải than bằng máng cào đã đưa sản lượng lò chợ lên 200 nghìn tấn/năm. Mới đây, dàn tự hành 2216/26 và máy khấu MG 375 mới thay thế công nghệ giá và máy khấu trước đó lại tiếp tục nâng sản lượng lò chợ của Khe Chàm đạt 400 nghìn tấn/năm. Sau những thành công này, ngành than đang đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất và xây dựng mỏ Khe Chàm 3, tiếp tục nghiên cứu lập dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm 2 và 4. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng mỏ Khe Chàm 3 được Vinacomin đặt nhiều kỳ vọng, có thể nâng sản lượng lên từ 2,5 đến 3 triệu tấn/năm, khai thác ở mức âm 300 m trở xuống, đào lò bằng máy com-bai và dàn tự hành. Với những kết quả đạt được, lãnh đạo mỏ Khe Chàm tiếp tục thử nghiệm nhiều công nghệ mới như sử dụng dàn chống siêu nhẹ, cột thủy lực nước thay dầu, lắp đặt hệ thống kiểm soát định vị trong lò bằng thẻ từ... Ứng dụng khoa học - công nghệ và những tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác than đã mở ra một hướng đi mới nhiều triển vọng cho các đơn vị của Vinacomin, góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp khai thác than. Ðây được coi là một trong những 'chìa khóa' quan trọng thúc đẩy tăng sản lượng than theo đúng quy hoạch phát triển của toàn ngành. |