|
|||
Vượt qua bán kết, vào chung kết (tổ chức ngày 01/12 tại Đà Nẵng), đội chiến thắng sẽ có giải thưởng đến Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) vào tháng 5/2019 và trở thành đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup (Hoa Kỳ) (cơ hội nhận đầu tư 1 triệu USD); 1 vé đến Hàn Quốc vào tháng 12/2018 để kết nối đầu tư và giao lưu với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực. Ở vòng loại, mỗi startup có năm phút thuyết trình về các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh cũng như khả năng phát triển thị trường trước ban giám khảo là các chuyên gia khởi nghiệp, du lịch, nhà đầu tư... Phần lớn các giải pháp tận dụng thế mạnh của công nghệ để nắm bắt nhu cầu, phát triển khách hàng và kết nối các sản phẩm, dịch vụ. Theo Ban tổ chức, tiêu chí để đánh giá các đội thi dựa trên thực trạng vận hành doanh nghiệp hiện tại và tiềm năng phát triển trong tương lai, cụ thể: Kế hoạch phát triển doanh nghiệp với các cột mốc đã đạt được; Quy mô thị trường hiện tại và thị trường tiềm năng của doanh nghiệp; Nguồn nhân lực hiện tại của doanh nghiệp; Thống kê tài chính và kế hoạch sử dụng các nguồn vốn; Các thỏa thuận hợp tác đã kí kết với đối tác. Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo sông Hàn, Trưởng làng công nghệ du lịch đánh giá, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đang ứng dụng thế mạnh của công nghệ để giải những bài toán nền tảng đang được xem là "nỗi đau" của du lịch Việt Nam. Ông Lý Đình Quân cũng cho biết thêm, khởi nghiệp giúp các doanh nghiệp có cơ hội phát triển thế mạnh và những tính năng sáng tạo của riêng họ, phát triển những doanh nghiệp trẻ bền vững, tạo giá trị gia tăng cộng hưởng với các ngành khác. Đặc biệt, khởi nghiệp du lịch đem đến những tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng GDP ngành cũng như đất nước, mang đến những sức hút đáng kể từ du lịch địa phương và quốc tế. Các doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ đem đến một sự lớn mạnh của kinh tế thương mại. Một số dự án tiêu biểu được thuyết trình tại cuộc thi như: Công ty cổ phần công nghệ số Mantan Việt Nam với dự án ManMo- là một platform 2 chiều kết nối giữa người có nhu cầu thuê phòng ngắn hạn với chủ cơ sở lưu trú, ManMo cung cấp cho cơ sở lưu trú bộ công cụ quản lý phòng, bộ công cụ này giúp các cơ sở lưu trú quản lý khách checkin, checkout, quản lý đặt phòng, thu chi công nợ, kho hàng hóa, phân quyền nhân viên và rất nhiều các chức năng khác....; Dự án Tourzy Media, công ty chuyên về ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo gia cường AVR phục vụ trong việc truyền thông và quảng bá cho Doanh nghiệp, Chủ Đầu Tư ở tất cả các lĩnh vực (nhà hàng, khách sạn, showroom, ô tô, bất động sản…); Dự án Tago, "Giải pháp đặt kỳ nghỉ trọn gói -holiday package booking- được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia du lịch kết hợp với nền tảng công nghệ giúp đem lại trải nghiệm khách hàng hoàn hảo nhất; Dự án Liberzy- dự án cung cấp các công cụ thông minh cho du khách để tạo và chia sẻ bản đồ du lịch của riêng mình, tạo ra mạng xã hội cho khách du lịch tương tác với những người khác. Blockchain được áp dụng để giúp người dùng kiếm tiền từ việc chia sẻ trải nghiệm du lịch của họ theo "kế hoạch chia sẻ doanh thu của Liberzy". AI (trí tuệ nhân tạo) cũng được áp dụng để cung cấp thông tin du lịch phù hợp nhất trong Big Data được tạo bởi những người dùng khác; Công ty TNHH Xeca Việt Nam- platform duy nhất tại Việt Nam kiểm duyệt từng nhà xe, giúp bạn đặt vé và thanh toán dễ dàng và an tâm tuyệt đối; Lifesup - chuyên cung cấp kết quả nhất quán trong các lĩnh vực mới nổi như các ứng dụng doanh nghiệp tùy chỉnh trên điện thoại di động và web, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, bảo mật điện tử, sức khỏe điện tử và lập kế hoạch và giải trí ngành công nghiệp. Ông Quân cũng nêu ví dụ từ dự án du lịch cộng đồng Việt Nam hiện đang khó khăn trong kết nối nguồn lực cộng đồng địa phương, giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính quyền. Trước đây do chưa có công nghệ để kết nối các thành phần này lại nên nhiều sản phẩm du lịch của địa phương tốt nhưng không có cơ hội thương mại hóa.
"Hiện các bạn trẻ đã dùng công nghệ để tăng tương tác giữa các thành phần và đưa sản phẩm du lịch nhiều địa phương ra thương mại hóa ra quốc tế. Công nghệ đang hỗ trợ đưa các sản phẩm tốt đi xa hơn chứ không đơn thuần thị trường trong nước", ông Quân nói và cho rằng các startup đã biết cách sử dụng công nghệ, nhân bản mô hình kinh doanh. Nếu được hỗ trợ họ sẽ trở thành những dự án hàng đầu cho khởi nghiệp công nghệ du lịch.
Mặc dù có nhiều ý tưởng sáng tạo, song phần lớn các startup đang gặp khó về nguồn lực ban đầu. Chính vì thế thông qua cuộc thi tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST 2018), các startup sẽ được tạo cơ hội thu hút được nhà đầu tư, tiếp cận với nhiều chuyên gia, thị trường nhanh hơn. Họ cũng được truyền thông thương hiệu nhiều hơn, phát triển khách hàng, thị trường tốt hơn. Qua cuộc thi, nhiều khách hàng hiểu được giá trị của dịch vụ các startup đang có để khai thác và sử dụng.
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST) là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu của TECHFEST là trở thành sự kiện về khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng khởi nghiệp quốc tế; tập trung kết nối đầu tư, tạo cơ hội bước ra sân chơi quốc tế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam; và trở thành một kênh hiệu quả trong việc góp ý, đề xuất, kiến nghị về hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Việt Nam.
Sau 3 năm tổ chức, TECHFEST đã và đang có những bước đổi mới và phát triển cả về cả quy mô lẫn chất lượng, thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội trao đổi và kết nối.
Tin, ảnh: PV
|