Bản in
Mô hình xử lí bụi cho các làng nghề
Lần đầu tiên mô hình xử lí bụi đã được Cục Kiểm soát ô nhiễm – Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà (Đông Anh – Hà Nội). Sau thời gian vận hành cho thấy mô hình này đã giảm thiểu các tác hại đối với môi trường, mở ra hướng phát triển bền vững cho các làng nghề hiện nay.

Tăng hiệu suất lọc bụi

Qua khảo sát cho thấy, trong quá trình sản xuất đồ mỹ nghệ, bụi gỗ sẽ phát sinh ra môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động và môi trường xung quanh.

Mô hình xử lí bụi cho các làng nghề chế biến gỗ do Công ty Cổ phẩn Công nghệ thân thiện với môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thiết kế. Đây là mô hình xử lí hỗn hợp khí thải chứa hơi kiềm, hơi axit phát sinh tại các vị trí xử lí bề mặt,sau đó thực hiện quá trình tách bụi và các thành phần gây ô nhiễm môi trường. Công suất của máy xử lí bụi gỗ đạt 1.000m3/giờ.

Theo quy trình xử lí, tại các vị trí phát sinh bụi sẽ được đặt các chụp hút bụi vào trong túi vải lọc, giữ lại các hạt bụi còn khí sạch sẽ thoát ra ngoài. Theo đánh giá của các nhà thiết kế, hiệu suất lọc bụi có thể đạt 99%, nhờ đó giảm thiểu ô nhiễm không khí từ bụi gỗ.

Mô hình này hiện nay được nhân rộng tại nhiều làng nghề trong cả nước. Ông Vũ Nam Xuân (Nam Định) cho biết: Mô hình xử lí bụi này hoạt động tin cậy, dễ sử dụng, mức tiêu thụ điện năng ít.

Hướng đi bền vững

Để phát triển làng nghề truyền thống, huyện Đông Anh đã đầu tư 97 tỷ đồng xây dựng khu sản xuất tập trung với diện tích hơn 10 ha. Tuy nhiên, theo ông Đàm Trọng Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, mặc dù thu được nguồn lợi to lớn từ sản xuất đồ mỹ nghệ nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn là thách thức nghiêm trọng đối với môi trường.

Chính vì thế, việc ứng dụng mô hình xử lí bụi gỗ trở thành bức thiết đối với làng nghề. Trong thời gian tới, xã sẽ triển khai để nhân rộng ra các làng nghề trên địa bàn.

Hiện nay, ở Hà Nội có rất nhiều làng nghề sản xuất và chế biến gỗ như: Liên Hà, Vân Hà (Đông Anh), Nghĩa Hương (Quốc Oai), Nhị Khê (Thường Tín)…Tại các làng nghề này, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề đặc biệt đáng báo động. Qua khảo sát cho thấy hàm lượng VOC (các chất hữu cơ độc hại) phát tán trong không khí ở nhiều làng nghề đã vượt mức cho phép từ 3 – 5 lần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người sản xuất.

Trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình xử lí bụi nên có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và địa phương với các đơn vị chế tạo máy để khảo sát nhu cầu, số lượng máy từ các cơ sở sản xuất, quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Làm tốt được các công tác trên sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân và hướng tới sự phát triển bền vững cho các làng nghề chế biến gỗ hiện nay. 

Ánh Tuyết