Nhiều công trình có ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng
Năm 2010, Ban chỉ đạo xét tặng giải thưởng “Sinh viên NCKH” của Bộ GD&ĐT đã nhận được 389 công trình từ hàng chục nghìn công trình NCKH của sinh viên ở 93 trường ĐH, học viện cả nước gửi tham dự. Gần 800 lượt các giảng viên, nhà khoa học và quản lý thuộc 60 trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu đã được huy động để đánh giá chất lượng các công trình NCKH của sinh viên tham dự giải thưởng.
Bộ GD&ĐT đã quyết định khen thưởng 305 công trình NCKH do 716 sinh viên thực hiện, trong đó có 15 giải nhất, 27 giải nhì, 130 giải ba và 133 giải khuyến khích. Đồng thời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định khen thưởng 17 giảng viên tham gia hướng dẫn 15 công trình đạt giải nhất và 26 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH của sinh viên năm 2010.
Bộ GD&ĐT cho biết, trong số 26 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH của sinh viên được tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 2 đơn vị dẫn đầu với 2 công trình đạt giải nhất. Năm nay, trường ĐHDL Lạc Hồng cũng là ĐH dân lập duy nhất có sinh viên đạt giải nhì giải thưởng “Sinh viên NCKH”.
Đối với giải thưởng Vifotec, năm nay, Quỹ Vifotec đã quyết định khen thưởng cho 71 công trình, trong đó có 7 giải nhất, 10 giải nhì và 57 giải ba.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giải thưởng năm nay đã quy tụ được rất nhiều các công trình NCKH của sinh viên có tính mới, sáng tạo, nội dung phong phú. Một số đề tài có khả năng triển khai ứng dụng. Một số công trình đề cập đến những vấn đề thời sự mà xã hội rất quan tâm.
Có thể nói đến công trình “Tái hiện mạng lưới trao đổi chất bằng phương pháp khai phá dữ liệu” của sinh viên Nguyễn Tô Sơn (ĐHSP Hà Nội). Đề tài đã tái hiện lại mạng lưới trao đổi chất dựa trên dữ liệu sinh học đo nồng độ hoặc khối lượng các chất bằng cách sử dụng phương pháp tính toán và xây dựng phần mềm cho phép tái hiện tương tác nhiều chất. Công trình này được đánh giá là có cách tiếp cận sáng tạo, thông minh và trước đây chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này.
Hoặc công trình “Thiết kế xe năng lượng xanh SC4” của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng (đứng đầu là sinh viên Tạ Ngọc Thiên Bình) với mục tiêu hướng tới phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, kiểu dáng gọn, chi phí thấp, giảm ô nhiễm môi trường. Đây là công trình có ý nghĩa thực tiễn cao.
Đặc biệt là công trình “Tách dòng, biểu hiện gene mã hóa enzyme Xylanase từ nấm mốc Aspergillus niger và E.Coli và bước đầu biểu hiện trong Arabidopsis Thaliana” của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Ngà (ĐH Bách khoa Hà Nội) được hội đồng đánh giá là đề tài thực sự có ý nghĩa, mở ra một hướng nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu bằng con đường sinh học (nguồn nhiên liệu tái sinh) thay thế các nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Đề tài ứng dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại, có độ chính xác cao. Công trình này đã được hội đồng nhất trí đề nghị tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng giải thưởng WIPO năm 2010.
Sẽ mở rộng sang đối tượng giảng viên trẻ
Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nhận định: Giải thưởng “Sinh viên NCKH” qua 21 năm triển khai đã thực sự trở thành sân chơi khoa học lớn và uy tín nhất, được toàn thể sinh viên trong cả nước hưởng ứng nhiệt tình, tham gia tích cực với lòng nhiệt huyết, say mê và sức sáng tạo. Công tác tổ chức đánh giá ngày càng đổi mới theo hướng chặt chẽ, khoa học, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, giải thưởng vẫn còn hạn chế về chất lượng, sức lan tỏa ra các trường ngoài công lập. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới cần đổi mới quản lý nâng cao chất lượng giải thưởng, thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra.
Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, trong tháng 3/2011, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết 21 năm giải thưởng “Sinh viên NCKH” để tổng kết, đánh giá về hoạt động NCKH của sinh viên trong thời gian qua; đề ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ, động viên, ưu đãi cho các sinh viên tham gia NCKH, nhất là đối với các sinh viên đạt giải thưởng cao nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động NCKH của sinh viên trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi quy chế về NCKH của sinh viên, đổi mới quy trình tổ chức giải thưởng và mở rộng đối tượng dự thi cho các giảng viên trẻ. Giải thưởng “Sinh viên NCKH” cũng sẽ được đổi tên thành giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, tạo một sân chơi mới cho cả các giảng viên trẻ.
Nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác NCKH của sinh viên cũng được Bộ GD&ĐT đề ra tại lễ trao giải. Đó là: Đổi mới quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường; đổi mới hình thức và nội dung tổ chức hội nghị, hội thảo và các hội thi sáng tạo khoa học phù hợp hơn với tâm lý của sinh viên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó cần đưa ra những chính sách phù hợp và đủ mạnh để động viên các giảng viên, sinh viên, nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu; nâng kinh phí cho các đề tài NCKH của sinh viên; tiếp tục thực hiện chính sách cấp học bổng đi đào tạo sau ĐH tại các nước phát triển…
Hiếu Nguyễn |