|
|||
Bên lề Hội nghị khoa học chào mừng ca ghép thận thứ 300 tại Bệnh viện Quân y 103, Thiếu tướng.PGS.TS. Hoàng Mạnh An, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Phó Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề này. PV: Xin ông cho biết dấu ấn Bệnh viện Quân y 103 trong lĩnh vực ghép thận ở Việt Nam? - Thiếu tướng.PGS.TS. Hoàng Mạnh An: Cùng với những nhiệm vụ quân đội giao cho, bệnh viện luôn luôn hoàn thành xuất sắc việc phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong bệnh viện. Việc phát triển KH&CN trong đó có kỹ thuật ghép tạng đó là nhu cầu tự thân của bệnh viện. Chúng tôi vượt lên để làm tốt công tác đào tạo, vượt lên để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong số 300 ca ghép tạng có rất nhiều anh em cán bộ, nhân viên quân đội cũng đã được ghép tạng thành công tại Bệnh viện. Đó là niềm tự hào, niềm vui, bởi các kỹ thuật hiện đại về y tế đã đưa được đến với bộ đội với nhân dân. Nhớ lại những ngày đầu thực hiện ghép thận tại Bệnh viện Quân y 103 nói riêng và ở cả nước nói chung thì có thể nói đến nay chúng tôi đã đi được bước đi hết sức dài. Những ngày đầu vô cùng khó khăn chúng ta chưa có kiến thức về ghép tạng, chúng ta chưa được đào tạo cơ bản ghép tạng nhưng với khát vọng cháy bỏng của các thầy thuốc Việt Nam và nhu cầu của những người bệnh Việt Nam nên Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng đã cử một đoàn cán bộ quân dân y sang Cu Ba để học tập kỹ thuật ghép tạng. Đến năm 1992 sau rất nhiều sự chuẩn bị công phu kể cả về con người, người bệnh, về trang thiết bị, chúng tôi đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên. Đến nay, ghép tạng đã có bước tiến xa, tiếp cận được với trình độ của thế giới và của khu vực. Chúng ta đã thực hiện ghép thận từ người cho sống, người cho chết não, người cho chết tim… Ngoài ghép thận, Việt Nam đã thực hiện thành công ghép gan, ghép tim, ghép phổi, ghép tụy, ghép đa tạng… Hiện nay, bệnh nhân sống lâu nhất sau ghép thận là 25 năm, từ con người tàn phế trở thành con người khỏe mạnh, thành đạt trong cuộc sống sự nghiệp và trong hạnh phúc gia đình. Rất nhiều bệnh nhân khác từ tàn phế về bệnh tật trở về với cuộc sống bình thường, đóng góp rất nhiều tinh thần cũng như sức lực cho đời sống xã hội, họ làm nên sự nghiệp của họ và đóng góp cho xã hội. Nhân dịp chào mừng ca ghép thứ 300 tại Bệnh viện Quân y 103, chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan đoàn thể đã luôn động viên cổ vũ chúng tôi trong chương trình ghép tạng. Nhờ sự đoàn kết, gắn bó quân dân y giữa các chuyên gia và sự hợp tác với các trung tâm ghép lớn ở trên thế giới, hiện nay ở Việt Nam đã có 18 trung tâm ghép tạng. Có thể nói những người bệnh bị suy tạng giai đoạn cuối ở Việt Nam giờ có thể yên tâm được điều trị ở trong nước với giá thành rẻ, hiệu quả cũng tương đương so với nước ngoài.
Em N.V. Toàn 27 tuổi là bệnh nhân thứ 300 được ghép thận thành công (ảnh: Bảo Chi) PV: Được biết hiện nay số lượng người cần được ghép tạng rất nhiều nhưng nguồn tạng còn rất khiêm tốn. Vậy làm sao để huy động được nguồn tạng hiến giúp giải quyết bài toán khó trong ghép tạng, thưa ông? - Tôi cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến. Đây là vấn đề không riêng gì của Việt Nam, thế giới cũng đã từng vướng phải và người ta cũng đã tìm bước đi để đạt được hiệu quả tốt trong tìm nguồn hiến tạng. Nguồn tạng hiến tùy thuộc vào mức độ cấp cứu của từng bệnh viện và sự vận động những người thân của những người không may bị tai nạn giao thông, bị chết vì những bệnh hiểm nghèo nhưng tạng còn có thể hiến được. Vậy làm thế nào để vận động người thân của họ đồng ý cho người nhà có quyền được hiến tạng là điều hết sức vất vả. Nếu chỉ riêng thầy thuốc thì không thể làm tốt việc này mà phải có nhiều nguồn lực khác như giới truyền thông, những người làm công tác tâm linh, nhà chùa, nhà thờ rồi các lực lượng xã hội khác. PV: Xin ông cho biết, thời gian qua Bộ KH&CN đã tạo điều kiện gì đối với việc ghép tạng? - Có thể nói sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam gắn liền với sự hỗ trợ, tạo điều kiện vô cùng to lớn của Bộ KH&CN. Tất cả những ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam đều là công lao của Bộ KH&CN, không có “bà đỡ” như vậy thì các đề tài rất khó thành công. Chúng ta đều biết ghép tạng những ca đầu tiên không thể tính toán đươc sự tốn kém, nó không chỉ là nguồn lực của các bệnh viện mà phải là sự đỡ đầu nào đó từ nguồn ngân sách nhà nước. Chính những đề tài đó Bộ KH&CN đã cung cấp bước đi đầu tiên cho các bệnh viện làm việc này. Bệnh viện Quân y 103 tự hào 5 tạng lớn của người ghép đầu tiên ở Việt Nam đều là các đề tài KH&CN cấp Nhà nước của Bộ KH&CN giao cho. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng ghép và chăm sóc sau ghép để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân. PV: Trân trọng cảm ơn ông! Bảo Chi (thực hiện)
|