Bản in
Phát huy mối liên kết để nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ
Hiện nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến chuỗi sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp. Tuy nhiên, sự liên kết để có chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp, viện, trường và nhà nước còn chưa thực sự gắn kết. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp là chưa nhiều.

Dưới góc nhìn của một Học viện trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước, ông Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên về vấn đề này tại buổi Giao lưu trực tuyến trên báo Đất Việt.

PV: Để đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn, thời gian qua Học viện đã có những chủ trương, định hướng gì để sinh viên nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, thưa ông?

- Ông Trần Đức Viên: Hoạt động nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đối với các sinh viên cũng như Học viện. Học viện có chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hoạt động thực tập nghề nghiệp và hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. 

Về nâng cao chất lượng thực tập nghề nghiệp, Học viện đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên thông qua hoạt động thực tập nghề nghiệp. Theo đó, tăng cường thời gian thực hành thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp, cơ sở sản suất kinh doanh để sinh viên tiếp cận với công nghệ hiện đại, năm bắt được nhu cầu thị trường và thựcc tiễn sản xuất, từ đó có các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng có tính khả thi cao. 

Đối với việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học, Học viện hỗ trợ cho khoảng 100-120 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) từ các nguồn khác nhau: Học viện, Doanh nghiệp, Hợp tác quốc tế... với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.  Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu trong sinh viên như: Tổ chức tuần lễ khoa học của sinh viên, cuộc thi ý tưởng sáng tạo, nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo khoa học trong sinh viên. Bên cạnh đó, Học viện cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ các thông tin, kết quả nghiên cứu, thầy và trò Học viện Nông nghiệp cũng tích cực tham gia các hội thi cấp bộ, liên ngành như “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức, Hội nghị Nông lâm ngư thủy toàn quốc (2 năm tổ chức 1 lần)…. kết quả đã đạt được nhiều giải thưởng sinh viên NCKH.

Đến nay, Học viện đã Xây dựng mạng lưới liên kết với các doanh nghiệp (hơn 90 doanh nghiệp nông nghiệp) và Thành lập Trung tâm Cung ứng việc làm và CLB Khởi nghiệp trong sinh viên (hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp của sinh viên) để hỗ trợ cho hoạt động nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học của sinh viên có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. 

PV: Xin ông cho biết, một số kết quả nghiên cứu KH&CN nổi bật của nhà trường đã được chuyển giao vào thực tiễn mang lại giá trị kinh tế xã hội?

- Lúa gạo là một trông những sản phẩm chủ lực Quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Các nhà khoa học của Học viện trong thời gian qua đã đóng góp nhiều giống lúa mới có chất lượng (Việt Lai 20, giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam, TH3-3 giống lúa lai chất lượng được chuyển nhượng bản quyền 10 tỷ đồng, VL50, TH3-4,TH5-1, TH7-2, Hương Cốm, Hương Việt, Bắc Thơm 7 kháng bạc lá….) và nhiều trong số đó đã được chuyển nhượng bản quyền cho các công ty sản xuất (VL20, TH3-4, TH3-3….) và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giống lúa hiện nay của Việt Nam như TH3-3, TH5-1, N46, 

Các giống cà chua năng suất, chất lượng và có khả năng chịu nhiệt đã góp phần mở rộng diện tích sản xuất đặc biệt là nâng cao hiệu quả sản xuất cà chua bằng việc thâm canh trái vụ. Một số giống tiêu biểu như: HT144, HT160, HT7….

Nhiều chế phẩm sinh học có giá trị trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, xử lý môi trường: Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA phục vụ chăn nuôi xử lý môi trường chăn nuôi, chế phẩm Vnua. Biomix sử dụng làm đệm lót sinh học phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học, giúp làm tăng hiệu quả chăn nuôi,hạn chế ô nhiễm môi trường (chế phẩm đã được ứng dụng và phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước như: Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nam, Cao Bằng….

Về công nghệ khí canh trong nhân giống cây trồng: Hệ số nhân giống 8 – 11 lần/tháng. Số lượng củ bi thu được 20 - 60 củ/cây (tùy thuộc vào giống), trong khi trồng bằng phương pháp truyền thống là địa canh chỉ đạt được từ 5 - 6 củ siêu bi/khóm. Củ giống khoai tây siêu bi có sức sinh trưởng mạnh, đồng đều, không bị lẫn tạp và sạch vi rút , dễ trồng, gọn nhẹ , dễ dàng vận chuyển cũng như bảo quản. Công nghệ dã được chuyển giao cho 6 tỉnh trên cả nước và chuyển giao cho Inđonexia

Học viện đã cung cấp cho thị trường sản phẩm giống chất lượng, góp phần thúc đẩy chăn nuôi lợn ở Việt Nam và cung cấp hàng trăm đực giống thuần chủng cho các trung tâm giống, trạm khuyến nông của các tỉnh trên cả nước (Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Hới…..);

Học viện cũng đã chuyển giao công nghệ xử lý rơm tươi bằng ure làm thức ăn cho trâu, bò. Đến nay, công nghệ này đã được ứng dụng cho tập đoàn TH- True milk...

Giống lợn đực Piétrain kháng stress

PV: Hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến chuỗi sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp. Tuy nhiên, sự liên kết để có chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp, viện, trường và nhà nước còn chưa thực sự gắn kết dẫn đến lãng phí và hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp là chưa nhiều. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp - một ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu - luôn được duy trì và ổn định qua các năm. Bình quân giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%. Riêng năm 2016, sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nhưng tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành vẫn đạt 1,2%, nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đóng góp của KH&CN khoảng 35% GDP của ngành và mục tiêu đến năm 2020 các thành tựu KH&CN sẽ đóng góp từ 40-50% GDP nông nghiệp, trong đó sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu. 

Tuy nhiên để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững cần phát huy tốt mối liên kết 4 nhà: Nhà Quản lý - Nhà Khoa học - Nhà Nông - Nhà Doanh nghiệp. Hầu hết các chương trình, đề án quốc gia đều đã đề cập và khuyến khích phát triển  mối liên kết này. Tuy nhiên, trên thực tế việc liên kết này còn rất lỏng lẻo, chưa đạt được kết quả như mong muốn và các "nhà” vẫn chưa thực sự giúp ích cho nông dân. 

Có thể thấy, hiện đang có rất nhiều HTX, THT sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn, VietGAP gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ vì không liên kết được với doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp lại “than” thiếu hụt nguồn cung nông sản do chưa tìm được nơi cung ứng ổn định với số lượng đủ lớn và đảm bảo chất lượng. Vì vậy, trong thời gian tới cần có các giải pháp phù hợp hơn nhằm gắn kết và phát triển mối liên kết này.

Nhìn chung sự hiểu biết về chính sách liên kết (nhất là Nhà nông); nguồn lực về vốn, đất đai; sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước đối với các tác nhân trong liên kết còn hạn chế. Trong các mối liên kết thì vai trò của Nhà nước là cầu nối hết sức quan trọng giữa các tác nhân, bên cạnh Nhà nước thì các tổ chức đoàn thể cũng là tác nhân tham gia với vai trò là các trung gian liên kết. Về tổng quan, nội dung liên kết giữa 4 nhà, hầu hết các mối liên kết đều là liên kết phi chính thống, liên kết đó chủ yếu dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau; quyền và trách nhiệm của các Nhà khi tham gia liên kết và thực hiện liên kết còn hạn chế. 

Đối với Nhà nông, thực tế cho thấy, các hộ nông dân tham gia các mô hình liên kết đạt được mức thu nhập và hiệu quả sản xuất cao hơn. Tuy nhiên, mức độ tham gia kết nối của họ phần lớn mới chỉ dừng lại ở những mô hình kết nối đơn giản, thiếu chặt chẽ, các cam kết thực hiện chưa đủ mạnh về tính pháp lý, chủ yếu dựa trên thỏa thuận miệng giữa các bên tham gia thị trường với nhau và rất ít qua ký hợp đồng kinh tế, do đó dẫn đến thiếu tính bền vững trong các kết nối. Các tác nhân tham gia mối liên kết chưa có các ràng buộc cần thiết hoặc chưa đủ mạnh để đảm bảo rằng họ phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của họ trong liên kết. Tại nhiều địa phương, liên kết chưa có sự tham gia đầy đủ của các mắt xích cần thiết, nên việc duy trì chuỗi kết nối không. Trong quá trình liên kết, đôi khi vẫn xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, ép giá, không tuân thủ hợp đồng… dẫn đến tình trạng nông dân và doanh nghiệp không tin tưởng lẫn nhau. 

Đối với Doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh các nông sản do vốn đầu tư lớn nhưng lại rủi ro cao và thu hồi chậm. Khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác, nông dân không trả được nợ cho doanh nghiệp, vốn vay của các doanh nghiệp phải kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng lãi suất vốn vay, giá thành sản phẩm chế biến tăng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động và tài chính. Mặt khác khi xảy ra tranh chấp, chưa có hành lang pháp lý phù hợp để giải quyết, phân minh trách nhiệm và quyền lợi cần có giải pháp tốt mặt này.

Đối với Nhà khoa học, hoạt động liên kết chuyển giao khoa học, kỹ thuật của Nhà khoa học còn mang nặng tính một chiều, chưa gắn với nhu cầu của các Nhà (nhất là đối với Nhà nông). Thực tế cho thấy Nhà khoa học chưa thực sự có những khảo sát về nhu cầu của Doanh nghiệp, của Nhà nông về nội dung cũng như các khâu mà họ cần Nhà khoa học tư vấn giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật. Chính vì vậy, phần lớn những hoạt động trong liên kết chuyển giao khoa học, kỹ thuật thường được thực hiện theo kế hoạch thông qua các dự án, chương trình nghiên cứu và do vậy sự liên kết, tính hiệu quả trong liên kết chưa được cao. Mặt khác, nội dung chuyển giao còn mang nặng tính lý thuyết, chưa gắn kết với thực tiễn, chưa gắn kết với từng đặc thù của từng địa phương và chưa kịp thời…  

PV: Dưới góc độ của một Học viện, theo ông cần phải thực hiện những gì để giải quyết tình trạng này?

- Tôi cho rằng, trong thời gian tới cần phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể và xây dựng quy hoạch cụ thể, trong đó chú ý đến vấn đề đảm bảo tính ổn định trong quy hoạch, quy hoạch vùng chuyên canh cây, con tập trung, quan tâm chú ý đến việc dồn điển đổi thửa, tích tụ tập trung ruộng đất. Xem xét học tập mô hình OVOP (One Village one Product) (một làng một sản phẩm) của Nhật Bản, mô hình sản xuất theo hợp đồng của Thái Lan, Trung Quốc...

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách liên kết giữa Nhà nông, Nhà khoa học và Doanh nghiệp, việc thực hiện giải pháp này cần nghiêm túc và có trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành (kể cả đến cấp xã), cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành, cũng như có báo cáo, ý kiến và đề xuất những khó khăn, tồn tại từ thực tiễn liên kết để có thể điều chỉnh cho phù hợp. 

Đồng thời là đầu tư cơ sở hạ tầng nên tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho cung ứng đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản, cũng như kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác một cách đồng bộ. 

Tăng cường năng lực cho Nhà nông, Nhà khoa học và Doanh nghiệp cần thực hiện thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao năng lực các Nhà. Cụ thể như tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà về liên kết, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường. Nâng cao vai trò hoạt động của các tổ chức hiệp hội, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật… 

Cần nâng cao kết quả và hiệu quả trong từng nội dung liên kết, trong đó nên tập trung vào các nội dung như: nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan kiểm định chất lượng cây trồng vật nuôi, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn và hỗ trợ ưu đãi trong vay vốn, xây dựng tổ chức mạng lưới phân phối, tiêu thụ một cách hiệu quả, tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật… 

Giải pháp đối với Nhà nông, Nhà khoa học và Doanh nghiệp cần chú trọng đến giải quyết những khó khăn của các Nhà đó như: nguồn vốn, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, thị trường đầu ra, nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Nga (lược ghi)