|
|||
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã quán triệt về các Nghị quyết và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập"; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới"; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Kinh tế - xã hội có chuyển biến toàn diện Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng, 9 tháng đầu năm 2017, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước; quý III tăng 7,46 %, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 quý lên 6,41%. Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trung ương đã xác định, năm 2018, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội… Liên quan đến Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này. Đồng thời yêu cầu thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phục vụ lãnh đạo, điều hành… Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã đưa ra nhiều phân tích, đánh giá cũng như dẫn chứng sinh động có liên quan trực tiếp đến ngành KH&CN cũng như Bộ KH&CN. Đồng thời, nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt các kết luận, Nghị quyết của Trung ương thời gian qua. Theo đó, thứ nhất, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước và vai trò của mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị. Quá trình đổi mới, tinh gọn, sắp xếp bộ máy của các Bộ, ngành, địa phương sẽ đồng bộ với đổi mới kinh tế, gắn với từng ngành, lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Tất cả các kết luận, Nghị quyết đều đảm bảo tính hành động, tính quyết liệt rất cao. Thứ hai, giữ vững nguyên tắc tổ chức hoạt động, đề cao kỷ luật kỷ cương, pháp luật Nhà nước và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất, lãnh đạo việc đổi mới. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu. “Việc này đương nhiên sẽ phải gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, khen thưởng, kỷ luật”, Bộ trưởng khẳng định. Thứ ba, đảm bảo tổng thể thống nhất, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa ổn định với đổi mới phát triển, gắn đổi mới và phát triển bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo và tinh giản biên chế. Quá trình này đồng bộ với các khâu của công tác cán bộ. Bộ trưởng dẫn chứng, ví dụ Bộ KH&CN theo Nghị định 95 của Chính phủ có 25 đơn vị, trong thời gian tới, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 sẽ tiếp tục xem xét chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực quản lý Nhà nước để có kế hoạch cụ thể phù hợp với yêu cầu. Thứ tư, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống, tập trung, thống nhất, thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ có trọng tâm trọng điểm và có lộ trình cụ thể, Bộ trưởng nhấn mạnh. Đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập Về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW), Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu thời gian tới. Trung ương yêu cầu phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp KH&CN đủ điều kiện thành doanh nghiệp, gồm cả hình thức công ty cổ phần. Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ trưởng, cả nước có 53.000 tổ chức ở tất cả các khối. Riêng ngành KH&CN, 632 tổ chức, chiếm trên 1% số lượng tổ chức và con người. Chúng ta đã đi tiên phong về việc triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Bộ trưởng cho biết, giai đoạn hiện tại đặt ra áp lực rất cao đối với tất cả các khu vực với 5 quan điểm. Cụ thể: Đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đặt lên hàng đầu, nhiệm vụ chính trị cấp bách; Nhà nước chăm lo, bảo đảm cho sự nghiệp cơ bản; đẩy mạnh xã hội hóa các ngành, lĩnh vực, địa bàn khối công lập phục vụ quản lý nhà nước; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tính tự chủ tự chịu trách nhiệm toàn diện của bộ máy.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tham quan gian hàng giới thiệu thiết bị, sản phẩm công nghệ tại sự kiện Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ năm 2016 – TECHDEMO 2016. Ảnh: PH. “Đó là những quan điểm chung, trong đó có những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, luật pháp. Hướng dần vào trọng tâm quản lý Nhà nước; khắc phục triệt để sự chồng chéo chức năng, rà soát, giảm các tổ chức phối hợp liên ngành,… Việc tinh giản này sẽ vận vào tất cả các Bộ, ngành và địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tất cả các khâu trong công tác cán bộ cũng như gắn với yêu cầu tinh giản, hiệu lực hiệu quả bộ máy, tinh giản biên chế”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Dân số và phát triển trong tình hình mới Về Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành Y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt… Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các ngành, lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh phát triển ngành Dược, thiết bị y tế, bảo đảm đủ thuốc, thiết bị có chất lượng tốt, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực và khoa học ngành y. Nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật y tế, dược, sinh học. Về vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ, cần nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc vắc-xin, đầu tư đủ nguồn lực để làm chủ việc sản xuất vắc-xin nhiều loại trong 1, cơ bản đáp ứng trong nước và hướng đến xuất khẩu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vắc-xin sinh phẩm, thiết bị vật tư y tế để tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm khu vực và thế giới. Qua đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trong nước; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm chứng minh tác dụng các phương thức, các loại thuốc y học cổ truyền, hỗ trợ phát hiện đăng ký công nhận sở hữu trí tuệ, thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đời sống.Bộ trưởng nhấn mạnh, việc quán triệt nội dung cơ bản của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII là hết sức quan trọng, đặc biệt là những thông tin gắn với hoạt động của ngành cũng như Bộ KH&CN và đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Bộ, cấp ủy Đảng, các đồng chí cán bộ chủ chốt chia sẻ với áp lực sắp tới, khi các Nghị quyết đều có tính hành động, tính quyết liệt rất cao. Chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận để đưa ra kế hoạch thực hiện tốt nhất các chỉ đạo theo tinh thần từ Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, tiếp tục đóng góp, làm rõ và khẳng định vai trò của KH&CN ngày càng cao hơn. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên |