|
|||
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ KH&CN và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao đổi, thảo luận về một số nội dung như phát triển tài sản trí tuệ, triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, xây dựng khu đô thị thông minh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý quy hoạch đô thị, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các dự án nông thôn miền núi, triển khai đề án phát triển Viện Công nghệ Sinh học quốc gia miền Trung,… Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Ngọc Thọ đã báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động KH&CN của Tỉnh thời gian qua, đồng thời đưa ra các đề xuất, mong muốn, kiến nghị với Bộ KH&CN để tiếp tục đưa KH&CN ngày càng phát triển. Theo đó, với đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, định hướng phát triển của Tỉnh, KH&CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội của tỉnh. Tỉnh cũng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN. Theo báo cáo, hoạt động KH&CN của Tỉnh thời gian qua đã tương đối đồng bộ, Quỹ phát triển KH&CN đã hình thành, tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo về KH&CN trong thanh thiếu niên nhi đồng,… Đặc biệt, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về KH&CN, trong đó có nội dung phát triển tài sản trí tuệ và đã ưu tiên nhóm đặc sản địa phương nhằm hình thành các thương hiệu, đặc sản. Đã đăng ký bảo hộ 16 nhãn hiệu tập thể, 3 NHCN, thực hiện 10 dự án hỗ trợ hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển NHTT, NHCN và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như tôm chua, thanh trà, nón lá, đúc đồng, mè xửng,… Toàn tỉnh đã có 1.146 đơn đăng ký các đối tượng SHCN và Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 871 văn bằng bảo hộ. Chiến lược phát triển thương hiệu đã thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra hướng đi phù hợp cho các đặc sản của địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được. Tuy nhiên, một số đặc sản như chè, hạt sen, chuối,… giống ngày càng mai một, Tỉnh đang sưu tầm, phục tráng các giống cây con. Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, mong muốn Bộ KH&CN xem xét, đưa vào danh mục các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ một số dự án: Phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các đặc sản Huế; Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm dầu Tràm; Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả thanh trà. Xây dựng đô thị thông minh Theo ông Phan Ngọc Thọ, thời gian qua, trên nền tảng áp dụng giải pháp kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin, Tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ KH&CN “Vận hành hệ thống Sổ tay công tác nghiệp vụ hành chính trên môi trường mạng”, “Xây dựng mô hình Công sở điện tử, Chính quyền điện tử” và thành phố Huế là một trong 10 thành phố được chọn triển khai đề án Đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc phổ biến tri thức KH&CN, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiệm vụ xây dựng được hệ thống tri thức số hóa có phân loại, sắp xếp, được kiểm chuẩn độ chính xác, có định hướng nội dung thông tin phù hợp, hữu dụng theo nhu cầu thực tế đáp ứng từ kiến thức cơ bản đến chuyên sâu cho người dân rất cần thiết. Tỉnh kiến nghị, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương cho tỉnh tham gia thực hiện thí điểm Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”. Cũng theo ông Phan Ngọc Thọ và các thành viên đoàn công tác, công nghệ GIS thời gian gần đây đã được một số đơn vị trong ngành quy hoạch xây dựng và cơ quan quản lý của các địa phương đưa vào áp dụng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hệ thống thông tin địa lý (GISHue) đã được đầu tư, xây dựng từ 2005 – 2011, do Sở KH&CN làm chủ đầu tư với mục tiêu chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin GIS. Hệ thống này đã được áp dụng rộng rãi tại UBND tỉnh, các sở ban ngành, UBND cấp huyện và cho toàn dân. Để ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý GIS nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch phục vụ quản lý phát triển đô thị, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, Tỉnh mong muốn thực hiện đề án xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian phục vụ quy hoạch, quản lý đô thị. Đồng thời đề nghị Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để đánh giá tổng quan hạ tầng không gian quy hoạch, quản lý đô thị; nghiên cứu mô hình hạ tầng dữ liệu không gian, xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng không gian cho Tỉnh và hệ thống thông tin hạ tầng không gian đô thị gắn với hệ thống GISHue, tích hợp 3D,… Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng địa phương Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thông tin về kế hoạch của Bộ trong việc tiếp tục triển khai, đưa Nghị quyết 20/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 về phát triển KH&CN vào đời sống, thể chế hóa bằng luật Luật KH&CN sửa đổi năm 2013. Đồng thời, đưa ra hướng triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII từ góc độ của Bộ, ngành và địa phương nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với từng ngành từng lĩnh vực cụ thể và chuỗi sản xuất, sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, nội hàm về KH&CN tiếp tục được khẳng định, doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Do đó, việc làm thế nào để nâng hàm lượng KH&CN trong các doanh nghiệp thực sự quan trọng. Việc này cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học,… “KH&CN phải tham gia, chung sức với từng ngành, lĩnh vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc. Đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đối với hoạt động KH&CN thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, những hoạt động, thành tựu về kinh tế xã hội và KH&CN đã thể hiện bước đi đúng hướng của Tỉnh, các chỉ đạo, chủ trương chính sách đã rất đường nét, toàn diện. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, đưa KH&CN ngày càng phát triển mạnh. Liên quan đến các đề xuất, Bộ trưởng cho rằng, Bộ KH&CN ủng hộ việc hỗ trợ Tỉnh triển khai hoạt động để phát triển thương hiệu cho các đặc sản của Tỉnh triển khai trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đề nghị UBND Tỉnh cần xem xét, lựa chọn sản phẩm/nhóm sản phẩm cụ thể, có tính đặc thù và có khả năng phát triển thương mại bền vững. Sản phẩm thanh trà Huế đã được Cục SHTT hỗ trợ bảo hộ, quản lý nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã Thanh Trà Huế. Do đó, trường hợp Tỉnh mong muốn bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để nâng cao hơn nữa danh tiếng, kiểm soát chất lượng, khai thác giá trị sản phẩm, đề nghị Tỉnh chủ động bố trí nguồn lực để triển khai nhiệm vụ này. Bộ KH&CN sẵn sàng hỗ trợ về mặt chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này, Bộ trưởng cho biết. Về phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, theo Bộ trưởng một số đề xuất của UBND Tỉnh có thể triển khai và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa. Đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát nội dung phù hợp với tiêu chí nhiệm vụ cấp quốc gia cần ưu tiên triển khai để xây dựng đề xuất nhiệm vụ theo mẫu quy định. Còn với việc xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số và ứng dụng GIS trong quản lý quy hoạch đô thị, hiện nay Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang xây dựng 5 tiêu chuẩn khung TCVN về Đô thị thông minh. Đây là bộ tiêu chuẩn đưa ra những khái niệm chung, tiêu chí rất cơ bản để các địa phương có thể tham khảo trong xây dựng, phát triển mô hình đô thị thông minh tại địa phương mình. Ngoài những nội dung trên, tại buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ KH&CN, các đơn vị thuộc Bộ và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao đổi nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một số dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ và Tỉnh, triển khai Đề án phát triển Viện công nghệ sinh học quốc gia Miền Trung,… Bài, ảnh: Hạnh Nguyên – Ngũ Hiệp |