|
|||
Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định; đại diện lãnh đạo các đơn vị, ban ngành Trung ương, địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan. Chuyển mạnh sang hậu kiểm Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 và là năm nền tảng để chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có biến động không nhỏ, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành thực hiện ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội để thực hiện “mục tiêu kép”. Theo đó, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục đã hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung kế hoạch do Bộ KH&CN giao; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh ghi nhận và cảm ơn những chỉ đạo của Bộ trưởng tại Hội nghị Để triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, Tổng cục đã chủ trì tham mưu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành 07 Nghị định và 21 Thông tư về các lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành và hậu kiểm. Sau khi triển khai áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu từ 23 ngày trước đây xuống còn 01 ngày, vượt yêu cầu về thời gian của ASEAN+4 (là 90 giờ). Tổng cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, theo đó, hàng hóa nhập khẩu áp dụng biện pháp hậu kiểm, thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ còn tối đa 01 ngày. Với biện pháp này, giai đoạn 2017 - 2020, chi phí đối với gần 280.000 lô hàng nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm khoảng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu). Riêng năm 2020, chi phí đối với hàng hoá nhập khẩu cho hơn 84.000 lô hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm hơn 832 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng cục đã hoàn thành xây dựng phần mềm, kết nối với cơ chế 1 cửa quốc gia đối với 06 thủ tục hành chính của Bộ KH&CN. Đã tích hợp 03 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng thời hạn được giao. Nhiều dấu ấn cụ thể Trong công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TĐC), giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 3973 TCVN (Tiêu chuẩn Quốc gia), khoảng 88%TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 60% (năm 2020 là 895 TCVN); tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 411 dự thảo QCVN của các bộ, ngành xây dựng (năm 2020 là 78 dự thảo QCVN); hướng dẫn, góp ý hơn 86 QCĐP (Quy chuẩn địa phương) của địa phương (riêng năm 2020 là 70 QCĐP) đã góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN (Quy chuẩn Quốc gia) theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, đổi mới, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các Bộ/ngành. Riêng năm 2020, công tác soạn thảo và ban hành TCVN, QCVN được đẩy mạnh với tỷ lệ hơn 90% TCVN xây dựng mới hài hòa quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác đo lường đã giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc theo chức năng nhiệm vụ về đo lường được xử lý nhanh chóng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh trình bày báo cáo tại Hội nghị Trong đó, Tổng cục đã thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 783 lượt đơn vị (năm 2020 là 177 lượt); Chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 508 lượt đơn vị (năm 2020 là 131 lượt, tăng 61,7% so với năm 2019); Chứng nhận 739 chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (năm 2020 là 168 CĐL tăng 11,2% so với năm 2019); Chứng nhận, cấp 6.239 thẻ kiểm định viên đo lường (năm 2020 là 1.352 thẻ, giảm 15% so với năm 2019); Phê duyệt 17.747 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (năm 2020 là 3.248 mẫu PTĐ, giảm 39% so với năm 2019). Trong hoạt động khảo sát, kiểm tra đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH), Tổng cục đã tiến hành kiểm tra và khảo sát hơn 500 cơ sở với gần 2.000 mẫu hàng/năm, trong đó 20% số mẫu được kiểm tra không đạt về ghi nhãn và thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 1.200 lô xăng dầu nhập khẩu mỗi năm, tổng khối lượng khoảng hơn 8 triệu tấn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động hợp tác quốc tế luôn được Tổng cục đẩy mạnh và đạt được hiệu quả cao với nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực: tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp,… ; chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế,…đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Bộ KH&CN, Tổng cục nói riêng đồng thời được các bạn quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt là trong năm APEC 2017 và ASEAN 2020. Đối với Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác đầu mối triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 712). Để tiếp nối thành công Chương trình 712, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá giai đoạn 2021 – 2030. Đánh giá giai đoạn 2016 - 2020, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Tổng cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, duy trì chế độ làm việc theo quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng; thống nhất và từng bước đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tích cực, sát sao chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về TĐC. Hoàn thiện thể chế Trong công tác triển khai hoạt động giai đoạn 2021-2025, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Tổng cục tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) và tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT); xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP hằng năm và tổ chức thực hiện; nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, áp dụng công nghệ thông tin; tăng cường hoạt động tuyên truyền về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đồng thời, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong năm 2021: nghiên cứu đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với thực tế quản lý và các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức các đơn vị thuộc Tổng cục theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 và tổ chức thực hiện có hiệu quả; nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; triển khai có hiệu quả Quyết định 100/QĐ-TTg, trong đó tập trung xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia và triển khai có hiệu quả Quyết định 996/QĐ-TTg về đo lường; chú trọng phát triển các dịch vụ mới và duy trì và phát triển năng lực của các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội;… Tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp Biểu dương và đánh giá cao các kết quả của Tổng cục đã đạt được trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị trong thời gian tới, Tổng cục cần tiếp tục tập trung đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan, bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số…
Toàn cảnh Hội nghị Bên cạnh đó, Tổng cục cần triển khai hiệu quả các đề án, chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt như Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”;… Đồng thời, Tổng cục cần tập trung xây dựng, triển khai phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng số lượng các dịch công trực tuyến cấp độ 3, 4 để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị trong và ngoài Tổng cục tăng cường xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về TĐC,… Với định hướng phát triển đúng đắn, quyết tâm cao của Tổng cục, Bộ trưởng tin tưởng hoạt động TĐC sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ KH&CN giao phó. Thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức của Tổng cục, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh ghi nhận và cảm ơn những đánh giá, chỉ đạo, định hướng của Bộ trưởng. Đồng thời, chân thành tiếp thu và cam kết triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp khắc phục, triển khai trong công tác TĐC qua những tham luận đến từ lãnh đạo, đại diện lãnh đạo của các cơ quan, ban ngành TW, địa phương cũng như các đơn vị thuộc Tổng cục. Bài, ảnh: Tần Quỳnh
|