Bản in
Tăng cường hợp tác quốc tế và định hướng phát triển khoa học và công nghệ
Trong tháng 10/2024, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức thành công hai Hội thảo khoa học tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH&CN, đồng thời hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và triển khai nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư. Hội thảo được thiết kế phù hợp với thế mạnh và nhu cầu nghiên cứu của từng khu vực, với sự tham gia của đại diện từ các cơ quan, viện nghiên cứu và trường đại học trong nước.

Định hướng hợp tác và quản lý nhiệm vụ khoa học cho khu vực miền Nam

Ngày 12/10/2024, Hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư, cung cấp các hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách thức xây dựng đề xuất và thẩm định nhiệm vụ, cũng như yêu cầu hồ sơ theo Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN.

Phát biểu khai mạc, TS. Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, chủ trì Hội thảo đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc liên kết nghiên cứu quốc tế, đặc biệt với các quốc gia phát triển như Đức và EU, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của KH&CN trong nước. Ông nhấn mạnh mục tiêu kết nối cộng đồng khoa học miền Nam với các đối tác quốc tế thông qua các chương trình nghiên cứu và tài trợ trọng điểm, đồng thời khuyến khích các đơn vị nghiên cứu địa phương tích cực tham gia các dự án mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và môi trường.

Trong bài trình bày của mình, TS. Lý Hoàng Tùng giới thiệu Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2024 về Quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư. Trong đó, giới thiệu sơ qua về quy trình cũng như: tình hình quản lý nhiệm vụ Nghị định thư của Vụ Hợp tác quốc tế, trong đó bao gồm số lượng nhiệm vụ theo từng năm, những lĩnh vực hợp tác ưu tiên tại những địa bàn trọng điểm như Trung Quốc, CHLB Đức, Hàn Quốc, Liên bang Nga và một số kêu gọi mới trong năm 2024.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã có các bài trình bày về hợp tác với: Cộng hòa Liên bang Đức (quy trình hợp tác với Đức trong các lĩnh vực như kinh tế sinh học, quản lý rủi ro thiên tai và phát triển đô thị bền vững; các bước xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu, yêu cầu hồ sơ, cách thức phối hợp triển khai các dự án song phương); Liên minh Châu Âu (nội dung tập trung vào chương trình SEA-EU JFS, một sáng kiến kết nối Đông Nam Á và châu Âu, nhằm kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các nghiên cứu về công nghệ mới và đổi mới sáng tạo; quy trình xét duyệt, đối tượng tham gia và nguồn tài trợ); Australia (các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Australia, bao gồm kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp; các cơ hội tài trợ nghiên cứu mới từ các tổ chức nghiên cứu Australia).

Diễn giả trình bày tại Hội thảo.

Khuyến khích nghiên cứu khoa học và công nghệ ở khu vực miền Trung

Hội thảo tại Đà Nẵng diễn ra vào ngày 18/10/2024, tập trung vào các định hướng nghiên cứu cho khu vực miền Trung, với các lĩnh vực như nông nghiệp bền vững, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bảo vệ môi trường. Tại Hội thảo, Bộ KH&CN khuyến khích các nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu tại miền Trung tận dụng cơ hội tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu với các nước đối tác.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học tại Đà Nẵng.

Tại Hội thảo, TS. Lý Hoàng Tùng nêu rõ vai trò của khu vực miền Trung trong chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của khu vực. Ông cũng khuyến khích các nhà khoa học tại đây tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản và Australia, đồng thời nắm bắt cơ hội từ các dự án nghiên cứu chung về nông nghiệp và bảo vệ môi trường với EU.

TS. Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế trình bày tại Hội thảo.

Các diễn giả tham dự Hội thảo đã trình bày các báo cáo hợp tác trong các lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp bền vững (các công nghệ nông nghiệp hiện đại như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và công nghệ nano, nhằm tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất cây trồng và giảm thiểu tác động môi trường); Phát triển đô thị thông minh và năng lượng tái tạo (các dự án nghiên cứu giữa Việt Nam và EU về phát triển đô thị thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo, giúp các đô thị miền Trung giải quyết các thách thức trong quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu); Bảo vệ môi trường biển (các nội dung hợp tác với Australia trong bảo tồn môi trường biển, phòng chống thiên tai ven biển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường); Chương trình Horizon Europe (Horizon Europe - chương trình nghiên cứu và đổi mới của EU nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu với tầm nhìn dài hạn. Các nhà khoa học miền Trung được khuyến khích tham gia vào các chủ đề mới như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và quản lý tài nguyên bền vững); Hợp tác với Mỹ Latinh (Cơ hội hợp tác với các nước Mỹ Latinh trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học và nông nghiệp bền vững. Các quốc gia đối tác trong khu vực sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên trong các dự án nghiên cứu chung về bảo tồn thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu); APEC và Anh Quốc (thúc đẩy sáng kiến và liên kết nghiên cứu về phát triển bền vững và công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và trí tuệ nhân tạo, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho các khu vực dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu).

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại hai Hội thảo khoa học, các chuyên gia và đại biểu đều nhất trí cho rằng việc hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp thiết yếu để phát triển KH&CN trong nước. Bộ KH&CN cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các đơn vị trong nước tiếp cận các nguồn tài trợ và chương trình hợp tác quốc tế, giúp các nhà khoa học tại miền Trung và miền Nam phát huy tiềm năng nghiên cứu, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương và nâng cao vị thế KH&CN Việt Nam trên trường quốc tế.

PV