Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 20/04/2024 , 04:34 pm
Cập nhật : 15/10/2016 , 01:10(GMT +7)
Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Nhờ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, việc chọn tạo giống lúa ở Việt Nam đã có bước tiến lớn
Ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) có vai trò quan trọng. Tại Việt Nam, NLNT đang được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những biện pháp đảm bảo an toàn tối đa, thì việc tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng NLNT để phát triển kinh tế - xã hội là cấp thiết hiện nay.

Ở nhiều quốc gia, ứng dụng NLNT có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ (ứng dụng phi năng lượng) và điện hạt nhân (ứng dụng năng lượng). Ở Hoa Kỳ, đóng góp của ứng dụng NLNT vào giá trị kinh tế - xã hội đạt mức 2% GDP, đạt giá trị 158 tỷ USD vào năm 1997, trong đó đóng góp của các ứng dụng phi năng lượng chiếm 75% và của điện hạt nhân chiếm 25%.

Đánh giá những thành tựu, kết quả việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong giai đoạn 2011 – 2016, Cục trưởng Cục NLNT Hoàng Anh Tuấn cho biết: Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Việc ứng dụng công nghệ bức xạ cũng đã được triển khai tại Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu; khử trùng dụng cụ y tế; chế tạo các vật liệu nhờ xử lý bức xạ.

Trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Cả nước có 32 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn với khoảng 43 thiết bị xạ hình được trang bị. Kỹ thuật xạ hình PET/CT đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán, điều trị các bệnh về ung thư, tim mạch và thần kinh tại Việt Nam. Số lượng bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội ) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) khoảng 7.000-8.000 lượt/năm. Hiện cả nước cũng có 25 cơ sở xạ trị chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Đáng chú ý, nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế đã được triển khai tại Việt Nam. Về chẩn đoán hình ảnh, hiện có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, trên 500 máy X quang cao tần. Các kỹ thuật cao về điện quang mới chỉ được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành.

Về sản xuất và sử dụng đồng vị, dược chất phóng xạ trong y tế, Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) đã cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 25 OCi/năm (tổng lượng cung cấp trong nước đạt gần 50% nhu cầu).

Trong lĩnh vực công nghiệp, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ 3 và thiết bị CT/SPECT công nghiệp có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dầu khí. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình KC05, Trung tâm còn nghiên cứu và chế tạo thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh đã xuất khẩu sang 7 nước theo đặt hàng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Thời gian qua, ứng dụng kỹ thuật Tracer trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật đã đạt được một số kết quả bao gồm việc thiết lập được công nghệ khảo sát cho các pha dầu, nước và và khí với hơn 20 chất khác nhau, xây dựng được các thuật toán và chương trình tính toán mô phỏng được IAEA và nhiều nước đánh giá cao. Phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDT) cũng đã được Viện NLNT Việt Nam nghiên cứu ứng dụng để kiểm tra chất lượng cọc nhồi các trụ cầu, độ chặt nền đường, nền móng nhà xưởng, chất lượng mối hàn, đường ống…

Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật Tracer trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận

Trong nông nghiệp, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được triển khai 4 trong tổng số 6 lĩnh vực, bao gồm: chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến. Nhờ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, công tác chọn và tạo giống cây trồng ở Việt Nam thời gian qua đã có bước tiến đáng kể. Đến năm 2015 đã tạo và đưa vào sản xuất 61 giống mới. Trong đó, có 42 giống lúa lai, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc...

Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. IAEA đã trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc đề đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TS Trần Duy Quý; 2 Giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trung tâm hạt nhân TPHCM; và cho 2 cá nhân của Sở NN-PTNT Sóc Trăng.

Ứng dụng công nghệ bức xạ đã được triển khai ở Việt Nam trong các lĩnh vực thủy hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu, khử trùng dụng cụ y tế, chế tạo các vật liệu nhờ xử lý bức xạ. Với 9 máy chiếu xạ quy mô công nghiệp ở Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Cần Thơ, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có số lượng các thiết bị tương đối nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.

Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ Co-60. VINAGAMMA sử dụng các thiết bị phát tia gamma và thiết bị phát tia điện tử cho mục đích chiếu xạ khử trùng dụng cụ y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ nuôi cấy mô, tế bào. Đầu năm 2016, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cấp dây chuyền công nghệ chiếu xạ công suất 300 tấn quả/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu chiếu xạ thực phẩm, nông sản phía Bắc, đặc biệt là việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Australia.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ bức xạ ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chiếu xạ kiểm dịch hoa quả và thủy hải sản xuất khẩu, trong khi đó công nghệ bức xạ ở các nước trên thế giới có rất nhiều ứng dụng và hiệu quả kinh tế cao...

Để đẩy mạnh các hoạt động quản lý, nghiên cứu và ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Cục Năng lượng nguyên tử đã đưa ra một số các giải pháp, trong đó có việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và kiện toàn quản lý nhà nước.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì xây dựng Luật NLNT sửa đổi, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành vào năm 2018. Ngoài những nội dung cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế xã hội.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và kiện toàn quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế.

Bảo Chi – Trung Đức

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner