KH&CN địa phương Thứ tư, 24/04/2024 , 06:39 pm
Cập nhật : 24/10/2014 , 13:10(GMT +7)
Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành: Mở lối tiên phong trong nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Định Thành
Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC) trực thuộc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang là trung tâm nghiên cứu ứng dụng hiện đại nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay, với vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng, chuyên nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho ngành trồng lúa đầu tiên tại Việt Nam. Với tầm nhìn xa lấy KH&CN là định hướng phát triển lâu dài, có thể thấy, mô hình trung tâm DT ART thực sự là tín hiệu đáng mừng cho nền khoa học nước nhà.

Hướng về nông dân, gia tăng thu nhập của người nông dân

PGS.TS Dương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm DT ART cho biết: DT ART là công trình hợp tác giữa Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang với Syngenta - một tập đoàn đa quốc gia về nông dược, công nghệ sinh học và giống cây trồng. Syngenta sẽ đầu tư kinh phí xây dựng, vận hành...; chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật, chuyển giao bí quyết công nghệ, cung cấp các giải pháp.

Với 2 chức năng chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, trung tâm được quyết định thành lập vào tháng 10/2012, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho chiến lược của công ty “Hướng về nông dân, gia tăng thu nhập của người nông dân”.

Trung tâm có 6 bộ môn nghiên cứu gồm di truyền và giống, khoa học đất nông nghiệp, bảo vệ thực vật, sinh lý sinh hóa, vi sinh và cơ khí nông nghiệp. Ngoài việc tập trung nghiên cứu, DT ARC còn tiếp thu các kết quả nghiên cứu trong nước và thế giới để tiến hành thực nghiệm trên đồng ruộng. DT ARC triển khai thực nghiệm để nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách thực tế nhất.

Hoạt động của trung tâm nhằm góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh; gia tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc phân phối lại lợi nhuận từ khâu gieo trồng cho đến thu hoạch, giúp bà con tiết kiệm nhiều hơn trong sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. 

Những thành công bước đầu

Điểm nhấn của thành công trong áp dụng hàng loạt các ứng dụng tiến bộ khoa học là Trung tâm DT ARC là đơn vị tiên phong xây dựng mô hình “Cánh đồng lúa lớn”. Thành công của mô hình này sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, tăng sức cạnh tranh của mặt hàng này, gia tăng lợi nhuận cho nông hộ. 

Theo đó, DT ARC đầu tư xây dựng hệ thống: Các labo thí nghiệm, phòng lưu giữ, bảo quản và trưng bày mẫu. Khu nhà lưới để kiểm tra trước khi đưa thí nghiệm ra ruộng, nuôi cấy côn trùng, bệnh, lai tạo giống, giữ cây đầu dòng, thanh lọc dòng, nuôi trồng cây cấy mô. Khu ruộng thí nghiệm cùng hệ thống tưới tiêu ...

Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các Viện, trường trong và ngoài nước tham gia khảo nghiệm các giống lúa mới, xác định các giống lúa triển vọng, phục vụ cho sản xuất đại trà. Trung tâm cũng nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc ra những giống lúa đặc sắc, có chất lượng, có thị trường xuất khẩu với giá cao, để phục vụ sản xuất trong vùng nguyên liệu và đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trồng lúa.

Bắt tay vào công việc, đội ngũ cán bộ khoa học của DT ARC đã khảo nghiệm, nghiên cứu tính phù hợp vùng sinh thái của giống; khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, chất điều hòa sinh trưởng, phân bón; quản lý dinh dưỡng tổng hợp, quản lý nước, các biện pháp canh tác tổng hợp trên cây trồng; kiến tạo thành Quy trình canh tác khép kín; nghiên cứu phát triển các giống lúa; tổ chức hội thảo khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp với các nhà khoa học.

Trung tâm DT ARC còn đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất và dịch bệnh trên đồng ruộng, qua đó tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín tạo điều kiện ứng dụng công nghệ mới, tổ chức nhiệu hộ nông dân nhỏ cùng sản xuất trên cánh đầu mẫu lớn. Theo thống kê, năm 2013, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 47.000ha, thu hút sự tham gia của trên 18.00 hộ nông dân, thu hoạch được trên 285.000 tấn lúa tươi sấy.

 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn do Trung tâm DT ARC triển khai tại xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho cây lúa, Trung tâm DT ARC đã nghiên cứu và tự chế tạo hệ thống thế hệ một kết hợp “sấy tầng sôi – tháp tuần hoàn” với kinh phí ban đầu 6.6 tỷ đồng, đạt năng suất 160 tấn lúa/ngày. Sau đó, các cán bộ tiếp tục cải tiến, đưa ra hệ thống sấy thế hệ hai nhằm khắc phục những nhược điểm của thế hệ một, cung cấp cho bốn nhà máy chế biến gạo của công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang với tổng công suất 4.000 tấn lúa/ngày. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hệ thống sấy thế hệ ba đã đưa chất lượng sản phẩm hạt gạo lên cao, giảm độ rạn gãy xuống 4.5%, đạt công suất 1.200 tấn lúa/ngày, giá chỉ bằng 30% so với máy nhập khẩu.

Ngoài ra, một hoạt động hiệu quả khác của Trung tâm DT ARC là tìm ra những sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhiều tính năng công dụng và có giá trị thương phẩm cao, như gạo mầm VIBIGABA, gạo mầm VIBIGABA nghệ, bánh gạo mầm VIBIGABA, cốm VIBIGABA, dầu từ cám gạo…

Những thành công bước đầu của Trung tâm DT ARC cho thấy tầm nhìn cũng như hướng đi đúng đắn của một doanh nghiệp khi lấy KH&CN là định hướng phát triển. Mong rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu KH&CN, có được như vậy, KH&CN mới thực sự phát triển. 

Bài, ảnh: Minh Châu

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner