Năng lượng nguyên tử Thứ sáu, 19/04/2024 , 08:50 am
Cập nhật : 10/02/2017 , 10:02(GMT +7)
Trung tâm CNEST – sản xuất trên 1000 nguồn phóng xạ kín phục vụ cho y tế và công nghiệp
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hạt nhân (Dự án Trung tâm CNEST). Ngày 10/2/2017 tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức Hội thảo “Trung tâm KH&CN hạt nhân: Các khía cạnh kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật”

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Ngài Konstantin Vnukov; các đại biểu, chuyên gia Việt Nam – Nga và đại diện lãnh đạo các đơn vị, cơ quan ban ngành có liên quan.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có bài giới thiệu, tham luận liên quan đến Dự án Trung tâm CNEST như: năng lực của Việt Nam trong phát triển công nghệ hạt nhân; các thành tựu, thực trạng, thách thức và triển vọng; đề xuất tổng hợp của Rosatom về Dự án Trung tâm CNEST; những mục tiêu và nhiệm vụ của Dự án Trung tâm CNEST, những lợi thế của Việt Nam; lò nghiên cứu như là bước quan trọng trong phát triển tiềm lực khoa học, kỹ thuật và kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển cơ sở hạ tầng và pháp quy hạt nhân; phạm vi ứng dụng các phòng thí nghiệm của Dự án Trung tâm CNEST; Dự án Trung tâm CNEST như là cơ sở cho các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật của đất nước; định hướng thiết kế và xây dựng Dự án Trung tâm CNEST; Y học hạt nhân, sản xuất các đồng vị và dược chất phóng xạ,…

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Ban tổ chức, thiết bị nghiên cứu chính của một Trung tâm KH&CN hạt nhân là lò phản ứng nghiên cứu (LPUNC) hạt nhân và/hoặc máy gia tốc hạt. Với một quốc gia trên 90 triệu dân như Việt Nam, việc dự kiến xây dựng một Trung tâm KH&CN hạt nhân đa mục tiêu công suất 10 – 15 MWt, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025 là tầm nhìn dài hạn và phù hợp với xu hướng của các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Hàn Quốc,… Những quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm trước đây.

Ngành năng lượng  nguyên tử (NLNT) Việt Nam đã trải qua 40 năm hình thành và phát triển. Mặc dù việc vận hành và khai thác sử dụng LPUNC Đà Lạt công suất khiêm tốn chỉ đạt 500 KW (hay 0,5 MWt), tuy nhiên LPUNC Đà Lạt đã đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tiềm lực hạt nhân quốc gia, được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá cao so với mặt bằng phát triển KH&CN hạt nhân của các nước Đông Nam Á và khu vực Châu Á.

Với LPUNC công suất 10 – 15 MWt của Dự án Trung tâm CNEST sẽ sản xuất trên 20.000 Ci đồng vị phóng xạ các loại  nhằm phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; trên 1000 nguồn phóng xạ kín các loại phục vụ cho y tế và công nghiệp; dịch vụ phân tích nguyên tố bằng kỹ thuật kích hoạt nơtrron phục vụ các ngành; dịch vụ chiếu xạ pha tạp silic cho thị trường khu vực để chế tạo vật liệu bán dẫn;…

Đồng vị phóng xạ được ứng dụng trong y học và chẩn đoán điều trị

Đặc biệt, Dự án Trung tâm CNEST còn tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và các hoạt động dịch vụ kỹ thuật có khả năng thương mại hóa cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia Việt Nam – Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hoạt động liên quan đến Dự án nhằm đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Hoàng Phiêu




Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner