Năng lượng nguyên tử Thứ sáu, 26/04/2024 , 12:04 am
Cập nhật : 18/02/2017 , 10:02(GMT +7)
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đến thăm và làm việc với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội
Dây truyền chiếu xạ bảo quản sản phẩm của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội
Nhằm thúc đẩy các ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong thời gian tới, ngày 16/02/2016, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN).

Tham dự buổi làm việc gồm có: Viện trưởng Viện NLNTVN Trần Chí Thành, GS. Phạm Duy Hiển, chuyên gia ngành năng lượng nguyên tử, đại diện Lãnh đạo Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Ban Hợp tác quốc tế, Văn Phòng Viện và đại diện Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; TS. Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật; ThS. Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm KDTV sau nhập khẩu I; PGS. Trần Đình Hà, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai; PGS. Lê Ngọc Hà, Giám đốc khoa y học hạt nhân, Bệnh viện TƯ Quân đội 108; và đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi, vận chuyển Logistics.

Thay mặt lãnh đạoTrung tâm, đồng chí Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã giới thiệu về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quá trình phát triển và các hoạt động đã đạt được cũng như một số định hướng chính của Trung tâm trong những năm tới. Với việc chủ động về mặt hạ tầng kỹ thuật và sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác, đồng chí Đặng Quang Thiệu cho biết một số khó khăn và thuận lợi của đơn vị và hy vọng Trung tâm sẽ sớm được cấp phép để xử lý kiểm dịch hoa quả xuất khẩu (quả xoài, nhãn ) cũng như sản xuất và sử dụng dược chất phóng xạ 18FDG trong thời gian sớm nhất.

Sau khi tham quan cơ sở vật chất của Trung tâm, các đại biểu đã đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ trong việc tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, giúp Trung tâm khai thác hiệu quả các thiết bị năng lượng nguyên tử hiện có cũng như phát triển các nhóm nghiên cứu với một số sản phẩm nổi bật như chất bám dính, chất hỗ trợ tăng hiệu quả phân bón, thiết bị quan trắc cảnh báo phóng xạ có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại.

Đánh giá về khả năng xuất khẩu hoa quả tươi chiếu xạ của Việt Nam, đồng chí Nguyễn Quý Dương đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Hiện nay, đã có 4 nước là Hoa Kỳ, Chile, Úc, New Zeland yêu cầu phải áp dụng chiếu xạ như biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với hoa quả tươi. Như vậy, các loại hoa quả như xoài, chôm chôm, thanh long, vải, nhãn đều cần phải kiểm dịch bằng bức xạ để có thể xuất sang các thị trường này”. Đồng chí cũng cho biết thêm, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam lần đầu tiên tăng trên 30% đạt 2,45 tỷ USD, vượt xuất khẩu gạo. Có thể thấy, tiềm năng xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam là rất lớn, do chúng ta có nhiều loại hoa quả nhiệt đới có chất lượng cao được nhiều nước ưa chuộng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để mở rộng thị trường xuất khẩu hoa quả. Chẳng hạn, cơ quan kiểm soát sức khỏe động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đòi hỏi chúng ta phải đóng phí để đăng ký thiết bị chiếu xạ, tạo điều kiện và thanh toán mọi chi phí cho chuyên gia kiểm dịch thực vật của APHIS giám sát việc xử lý kiểm dịch hoa quả bằng chiếu xạ tại Việt Nam (khoảng 1,5 tỷ đồng trong 2 tháng xuất khẩu vải) thì mới được cấp phép. Đồng chí Dương cho biết Cục sẵn sàng hợp tác với Trung tâm và đề nghị Viện NLNTVN, Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ hơn nữa để Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội có thể xin được giấy phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi của Hoa Kỳ, cũng như đề nghị Trung tâm có kế hoạch đầu tư nâng cấp thiết bị chiếu xạ để đáp ứng nhu cầu chiếu xạ thực phẩm trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt, Viện trưởng Trần Chí Thành, đánh giá cao những kết quả mà đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã đạt được trong những năm qua và đề nghị Trung tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân có thể biết thêm thông tin về khả năng chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu, nhất là khi mùa xoài, vải đang đến gần.

Giám đốc Đặng Quang Thiệu giới thiệu hoạt động máy gia tốc Kontron-13

Đề cập về khả năng chuyển giao sản phẩm dược chất phóng xạ 18FDG, PGS. Trần Đình Hà nói: “Mặc dù Hà Nội có 3 máy PET/CT, song nhu cầu sử dụng dược chất 18FDG rất cao. Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai vẫn đang sử dụng dược chất do bệnh viện 108 chuyển giao, song trong khoảng 1-2 tháng bảo dưỡng máy gia tốc mỗi năm, bệnh viện Bạch Mai không thể tìm được nguồn FDG khác. Vì vậy, bệnh viện chúng tôi đã nhiều lần đề cập Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nhanh chóng xin giấy phép sản xuất và sử dụng dược chất. Trước mắt, nếu chưa thể thương mại thì cũng đề nghị Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội xem xét phương án chuyển giao sản phẩm nghiên cứu sau khi được Bộ Y tế cấp phép sản xuất dược chất 18FDG. 

Đánh giá cao về khả năng phối hợp để cung cấp dược chất phóng xạ 18FDG cho các Bệnh viện, PGS. Lê Ngọc Hà cho biết: Năm 2017, số lượng máy PET trên địa bàn có thể tăng thành 8 chiếc, nghĩa là nhu cầu sử dụng 18FDG sẽ tăng gấp đôi. Mặc dù, máy gia tốc của bệnh viện 108 hoạt động rất tốt, song vẫn còn một số vấn đề cần phải nghiên cứu để sử dụng an toàn và hiệu quả hơn. Đề nghị Viện NLNTVN cần tạo điều kiện, phối hợp các đơn vị để hướng tới thành lập các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực như hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, vật lý y tế… và đào tạo hóa dược phóng xạ để thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế.

Với những kết quả đạt được gần đây, GS. Phạm Duy Hiển cho rằng Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã bắt đầu có đóng góp cho xã hội, chúng ta cần xem xét để tăng được năng lực xử lý chiếu xạ, mở rộng mặt hàng chiếu xạ, phát triển hoạt động sản xuất 18FDG. Tuy nhiên, Trung tâm cũng cần quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, phát triển các nhóm nghiên cứu về máy gia tốc, kỹ thuật ghi đo bức xạ, khai thác, bảo quản các thiết bị gia tốc sử dụng trong y tế để dần khẳng định vị thế về mặt khoa học. Muốn vậy thì Viện NLNTVN và Bộ KH&CN cần xem xét hỗ trợ Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cũng như tiềm lực khoa học công nghệ, trước mắt xem xét để hợp tác với Liên bang Nga trang bị máy gia tốc EB.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm và cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ vì Trung tâm đã phát triển khang trang hơn rất nhiều so với khi dự án máy gia tốc mới thực hiện. Có thể nói Trung tâm hiện đang là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất trong Viện. Cũng như Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ là tiền đề để phát triển ngành công nghiệp chiếu xạ, giúp đẩy mạnh chiếu xạ thực phẩm ở khu vực phía Nam. Hy vọng các nhà khoa học của Viện NLNTVN thể hiện được vị thế tiên phong trong việc đưa ứng dụng khoa học vào đời sống”. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội ở phía Bắc cần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu công nghệ bức xạ và công nghệ gia tốc, tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động chiếu xạ hoa quả tươi xuất khẩu, cũng như cung cấp dược chất 18FDG cho các bệnh viện.

 

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner