Năng lượng nguyên tử Thứ ba, 23/04/2024 , 06:09 pm
Cập nhật : 15/12/2016 , 15:12(GMT +7)
Tạo giống lúa chất lượng cao để đảm bảo an ninh lương thực
GS.TSKH. Trần Duy Quý luôn say sưa với cây lúa
Để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và sự phát triển cho 90 triệu dân thì bản thân những người chọn tạo giống lúa như chúng tôi rất say mê. Nếu như không tạo được giống lúa chất lượng cao, hay siêu lúa thì khó có thể đảm bảo an ninh lương thực của đất nước và trữ lại cho chăn nuôi và các ngành công nghiệp khác.

GS.TSKH. Trần Duy Quý, Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương đã chia sẻ như trên với chúng tôi khi nói về phương pháp chọn tạo giống lúa bằng công nghệ bức xạ hạt nhân.

PV: Gắn bó nửa thế kỷ làm về di truyền chọn tạo giống lúa, là “cha đẻ” của những giống siêu lúa cho nông dân Việt, sức hút nào khiến ông “say sưa với cây lúa” đến vậy?

GS.TSKH. Trần Duy Quý, Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương: Đất nước ta là một đất nước nông nghiệp với hơn 90 triệu dân và diện tích đất nông nghiệp trồng được lúa là 3,8 triệu ha. Nếu tích cực trồng lúa 1 năm 2-3 vụ thì chúng ta có diện tích khoảng 7,8ha, sản lượng hiện nay là 45,5 triệu tấn, năng suất 5,8 tấ/ha. So với năm 1990, chúng ta chỉ có 16,5 triệu tấn và năng suất 3,4 tấn/ha.

Do vậy để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và sự phát triển cho 90 triệu dân thì bản thân những người chọn tạo giống lúa như chúng tôi rất say mê. Nếu như không tạo được giống lúa chất lượng cao, hay siêu lúa thì khó có thể đảm bảo an ninh lương thực của đất nước và trữ lại cho chăn nuôi và các ngành công nghiệp khác.

Như vậy, trong nửa thế kỷ tìm tòi và nghiên cứu về cây lúa, tôi và đồng nghiệp luôn nỗ lực để tạo ra giống lúa có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và bất thuận với môi trường mà hiện nay thường gọi là biến đổi khí hậu.

PV: Xin ông cho biết sự khác biệt giữa phương pháp lai tạo giống và phương pháp chọn tạo giống bằng công nghệ bức xạ hạt nhân?

GS.TSKH. Trần Duy Quý: Phương pháp lai tạo giống và phương pháp chọn tạo giống bằng công nghệ bức xạ hạt nhân hay còn gọi là chọn giống đột biến có những điểm giống nhau và khác nhau căn bản.

Thứ nhất, cả hai phương pháp này đều tạo ra nguồn vật liệu phong phú cho công tác chọn lọc nhân tạo để tạo thành giống mới có năng suất chất lượng cao đáp ứng đúng yêu cầu của sản xuất.

Thứ hai, những khác biệt căn bản là: Lai tạo giống phải gồm ít nhất hai giống bố mẹ có những đặc tính nông sinh học quý đáp ứng được mục tiêu của giống cần chọn, tiến hành lai hữu tính. Tức là, lấy phấn của dòng bố thụ cho hoa cái của dòng mẹ để tạo nên hạt lai. Từ hạt lai gieo lên và tiếp tục chọn lọc qua nhiều thế hệ tự thụ đến khi nào thu được những cá thể chứa được những đặc điểm mong muốn từ bố hoặc từ mẹ thì nhân giống đó lên để thành giống mới. Tất nhiên cần trải qua các hệ thống khảo nghiệm quốc gia, hội đồng KH&CN quốc gia, thử nghiệm sản xuất ở diện nhỏ và diện lớn trên các vùng sinh thái khác nhau. Bản chất của lai hữu tính tạo ra nguồn vật liệu khởi đầu không làm thay đổi bản chất của gene bố và mẹ mà chỉ sắp xếp lại vị trí các gene của bố mẹ trong con cái. Và vì thế, nó tạo nên các hiệu quả tác động của gene khác nhau dẫn đến hình thành các đặc tính mới ở con cái cũng như di truyền được những đặc tính quý của bố mẹ.

Còn phương pháp gây đột biến, trên một giống lúa cụ thể, thì nó cũng tạo ra nguồn vật liệu ban đầu rất phong phú nhưng bản chất của gene bị thay đổi hoặc mất đi một số gene hoặc tăng thêm các đoạn ADN để hình thành gene mới hoặc thay đổi những bazonito trong cấu trúc phân tử ADN. Thí dụ: Adenin thay bằng Tmin hoặc Guanin thay bằng Xitozin. Vì vậy, dẫn đến thay đổi các đặc điểm nông sinh học của cây lúa. Thông qua chọn lọc theo các dòng đột biến, theo phả hệ của chúng, chúng ta thu được những giống mới có năng suất chất lượng và chống chịu sâu bệnh theo như mục tiêu đã đặt ra.

GS.TSKH. Trần Duy Quý giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Đất Việt vào sáng 15/12

PV: Người dân sẽ được hưởng lời gì từ việc lai tạo các giống lúa thuần bằng công nghệ bức xạ, thưa ông?

GS.TSKH. Trần Duy Quý: Nếu như không có khoa học lai tạo giống lúa và chọn lọc đột biến thì người dân vẫn có thể lựa chọn được những giống lúa cổ truyền từ đời ông cha để lại nhưng năng suất thấp, chống chịu sâu bệnh kém và ít kích ứng. Nhưng nhờ có các phương pháp mới là lai hữu tính và chọn giống đột biến, trong gần 1 thế kỷ qua, năng suất lúa của Việt Nam và thế giới tăng vọt. Từ dưới 1 tấn/ha lên đến 10 tấn/ha, thậm chí theo thông báo mới nhất của ông Viên Long Bình - cha đẻ lúa lai của Trung Quốc vừa công bố cách đây 1 tháng, năng suất lúa đã đạt 22 tấn/ha/vụ hoặc thông báo của GS.TSKH. Trần Duy Quý và cộng sự ở Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương công bố trong Hội nghị “Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ KH&CN tổ chức vào tháng 10/2016 tạo ra được giống lúa thuần NPT3, NPT4, NPT5 có năng suất đạt 9-10 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh, phẩm chất gạo thơm ngon so với các giống lúa thuần thông thường đã vượt 3-4 tấn/ha, tương đương với giống lúa lai thế hệ thứ hai. Vì vậy, có thể nói, người dân được hưởng lợi nhiều từ phương pháp chọn tạo giống mới.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật từ phương pháp chọn tạo giống đột biến?

GS.TSKH. Trần Duy Quý: Phương pháp chọn tạo giống lúa đột biến của Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 1970 đến nay. Việt Nam đã chọn tạo ra rất nhiều giống cây trồng đột biến sau gần một nửa thế kỷ và số lượng giống hiện nay là 58 giống, đứng thứ 4 châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Trong số đó, có 30 giống lúa đột biến, tiêu biểu nhất là các giống DT10, A20, DT11, DT22,  Khang dân đột biến... của các tác giả: GS.TS. Trần Duy Quý, Kỹ sư Bùi Huy Thủy, TS. Đỗ Hữu Ất, Kỹ sư Nguyễn Văn Bích, Kỹ sư Nguyễn Quang Xu, TS. Lê Văn Nhạ, GS. TS. Hoàng Tuyết Minh và cộng sự thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp. Các giống VN9820, VN9818 của TS. Đỗ Khắc Thịnh, Viện KH-KT Việt Nam, Tài nguyên đột biến 100 của Viện Lúa ĐBSCL của TS. Phạm Văn Ro, P6 đột biến của TS. Hà Văn Nhân, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Đặc biệt, các giống siêu lúa NPT3, NPT4, NPT5 được tạo ra bằng phương pháp đột biến do GS. Trần Duy Quý, TS. Trần Duy Dương, ThS. Trần Duy Vương và cộng sự thuộc Viện IAP và Viện Di truyền Nông nghiệp tạo ra trong thời gian từ 2009 - 2016 đang được khảo nghiệm sản xuất và phát triển ở một số vùng trọng điểm lúa ở ĐB Sông Hồng có khả năng thay thế một số giống lúa lai nhập nội từ nước ngoài.

PV: Theo ông, cần có giải pháp gì để Việt Nam chủ động tạo ra các giống lúa có năng suất chất lượng tương đương hoặc cao hơn lúa lai nhập ngoại, tránh phụ thuộc vào nhiều nước khác?

GS.TSKH. Trần Duy Quý: Để chủ dộng tạo ra các giống lúa cao, chất lượng tốt hơn các giống lai nhập ngoại, Nhà nước cần tạo ra một chương trình cấp Nhà nước như KC05 ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đang thực hiện nhưng phải dành cho lĩnh vực Nông nghiệp những đề tài nhiều hơn hiện nay. Vì trong giai đoạn vừa qua, chỉ có 1 - 2 đề tài không phủ hết được các mục tiêu của chọn tạo giống lúa. Vì vậy, theo ý kiến của chúng tôi cần tập trung đầu tư vào các sản phẩm chủ lực, trong đó có lúa chất lượng cao bằng những chương trình khoa học nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước và các bộ, ngành. Nhà nước nên đặt hàng, khoán gọn cho các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, Trường đăng ký thực hiện những nhiệm vụ trọn gói ra được các sản phẩm cuối cùng là các giống lúa thuần và lúa lai Việt Nam có suất siêu cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất thuận của môi trường.

Nói như vậy không có nghĩa một giống tạo ra phải có đầy đủ tất cả các đặc tính như vậy mà chứa ít nhất 2 - 3 đặc tính quan trọng. Để bảo đảm giống đó phát triển ổn định trong giai đoạn sản xuất. Có như vậy, chúng ta mới không phụ thuộc vào các giống lúa lai nhập nội.

GS.TSKH. Trần Duy Quý bên cạnh giống lúa NPT5 năng suất 9-10 tấn/ha/vụ

PV: Mang “duyên nợ” với cây lúa, luôn lấy người dân làm trọng, đặt lợi ích người dân lên trên hết cho mục tiêu nghiên cứu của mình, ông có kiến nghị gì trong việc khảo nghiệm giống lúa sản xuất ở nhiều vùng sinh thái cũng như quy trình thâm canh tăng năng suất giống lúa, thưa ông?

GS.TSKH. Trần Duy Quý: Hiện nay, trong công tác khảo nghiệm giống lúa được Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm giống cây trồng quốc gia đảm nhận trong thời gian qua đã đi vào hoạt động và có nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với giai đoạn mới. Theo quan điểm của chúng tôi, có 2 phương án.

Thứ nhất, xã hội hóa việc khảo nghiệm giống lúa. Tức là giao cho các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp, Viện, Trường tự khảo nghiệm và tự chịu trách nhiệm về kết quả giống lúa của mình khi công bố và phóng thích ra sản xuất theo tiêu chuẩn giống mà Nhà nước quy định. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống chỉ có vai trò kiểm soát, kiểm tra các giống lúa có đúng tiêu chuẩn như công bố và tiêu chuẩn quy định của Nhà nước hay không.

Thứ hai, tiếp tục cải cách chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống. Tức là cần coi việc đánh giá, khảo nghiệm giống cây trồng mới là nhiệm vụ công ích, thường xuyên. Nhà nước phải bao cấp phần kinh phí khảo nghiệm này, tất nhiên cần có sự đóng góp thêm của các nguồn kinh phí từ các cá nhân, tổ chức gửi giống khảo nghiệm  thay vì cắt bỏ nguồn hỗ trợ của Nhà nước mà để Trung tâm tự lo. Điều này sẽ gây ra nhiều tiêu cực trong quá trình khảo nghiệm vì rất có thể có những giống tốt nhưng kinh phí không đủ dồi dào để đầu tư hỗ trợ như những doanh nghiệp mạnh, có truyền thống.

Vì thế, theo Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan nên cân nhắc rất kỹ tính tự chủ của Trung tâm khảo nghiệm giống.

Bài, ảnh: Lê Hà (lược ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner