Năng lượng nguyên tử Thứ năm, 25/04/2024 , 06:16 am
Cập nhật : 15/12/2016 , 17:12(GMT +7)
Phát triển y học hạt nhân trong điều trị bệnh nan y
Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế sẽ tạo thêm cơ hội chữa trị cho bệnh nhân
Năng lượng nguyên tử đóng vai trò rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngoài ứng dụng về năng lượng, tại Việt Nam, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ (ứng dụng phi năng lượng) trong y tế đã mang lại nhiều thành tựu về điều trị, chăm sóc sức khỏe cộng đồng thời gian qua.

Trong khuôn khổ buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Đất Việt vừa diễn ra ngày 15/12 tại Hà Nội. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 xoay quanh vấn đề ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y học.

PV: Xin ông cho biết thành tựu nổi bật của y học hạt nhân trong điều trị bệnh thời gian qua?

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà: Với những tiến bộ của khoa học và công nghệ (KH&CN), trong khoảng 10 năm gần đây, y học hạt nhân ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đặc biệt là trong ứng dụng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Hầu hết các ứng dụng của y học hạt nhân phổ biến trên thế giới trong các lĩnh vực gồm: tim mạch, ung thư, thận- tiết niệu, nội tiết, xương- khớp, tiêu hóa, tâm-thần kinh, nhi khoa... đã và đang được thực hiện ở nước ta trong những năm gần đây. Đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kĩ sư, hóa-dược phóng xạ, kĩ thuật viên, điều dưỡng chuyên ngành y học hạt nhân cũng đã dần tăng lên về số lượng và trình độ chuyên môn nhờ được đào tạo trong và ngoài nước. Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học hạt nhâ bước đầu có sự khởi sắc. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn đã được thực hiện, được công bố trong và ngoài nước.

PV: Thực trạng phát triển y học hạt nhân ở nước ta hiện nay ra sao, thưa ông?

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà: Có thể nói y học hạt nhân nước ta đã đạt những thành tựu đáng kể trong những năm gần đây. Trước đây, chúng ta chỉ áp dụng được các ứng dụng lâm sàng với kỹ thuật y học hạt nhân thông thường và kinh điển như đo độ tập trung I-131 tại tuyến giáp, xạ hình xương , xạ hình tuyến giáp, xạ hình đánh giá hình thể và chức năng thận, sử dụng I-131 trong điều trị bệnh Basedow và ung thư tuyến giáp  biệt hóa sau phẫu thuật, điều trị giảm đau di căn xương bằng P-32...

Hiện nay, chúng ta đã không ngừng mở rộng và phát triển các ứng dụng khác trong nhiều chuyên ngành, bắt kịp với trình độ các nước trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới như: xạ hình tươi máu, đánh giá khả năng sống còn cơ tim sau nhồi máu cơ tim, xạ hình hạch gác trong ung thư vú, ung thư hắc tố, xạ hình Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u máu trong gan...

Từ năm 2009, nhờ được trang bị các hệ thống cyclotron và hệ thống tổng hợp dược chất phóng xạ, PET và PET/CT đã được ứng dụng ở Việt Nam trong các lĩnh vực: ung thư, tim mạch và tâm - thần kinh tại các bệnh viện của TP - HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

PV: Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực:  y học hạt hận, xạ trị và điện quang. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được triển khai như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà: Trong những năm gần đây, bệnh viện TWQĐ 108 là một trong những cơ sở hàng đầu trong nước về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực: y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Từ năm 2009, việc ra đời Trung tâm máy gia tốc cyclotron 30 MeV cho phép sản xuất, cung cấp F-18 FDG sử dụng chụp PET/CT tại Khoa y học hạt nhân của bệnh viện cũng như các bệnh viện lân cận. Khoa y học hạt nhân còn được trang bị nhiều hệ thông SPECT và PET/CT  hiện đại, chúng tôi đã ứng dụng nhiều kĩ thuật y học hạt nhân trong các lĩnh vực tim mạch, ung thư, thận - tiết niệu, xương khớp, tiêu hóa, nội tiết, nhi khoa... Điều trị I-131 đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa sau phẫu thuật cũng là một thế mạnh của khoa chúng tôi do được cập nhật kiến thức, hệ thống chẩn đoán và điều trị đồng bộ, kết hợp tốt với các chuyên ngành có liên quan...

Ngoài ra, Khoa y học hạt nhân đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như: xạ hình Tc99m hằn hồng cầu chẩn đoán u máu ở gan, chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa thấp, xạ hình hạc gác trong ung thư vú, u hắc tố ác tính, xạ hình FDG PET đánh giá khả năng sống còn cơ tim sai nhồi máu cơ tim, xạ hình thông khí và tươi máu phổi.

Từ năm 2014, Khoa y học hạt nhân kết hợp với Khoa tiêu hóa triển khai kỹ thuật sử dụng hạt vi cầu ytrium-90 trong điều trị ung thư gan,... Đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học hạt nhân cũng là điểm mạnh của Khoa y học hạt nhân, đóng góp vào việc triển khai những kĩ thuật y học hạt nhân tiên tiến.

PV: Có ý kiến cho rằng, trình độ nguồn nhân lực cho xạ trị, X-quang và y học hạt nhân ở nước ta hiện nay vẫn còn thiếu và yếu. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên?

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà:  Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nguồn nhân lực cho xạ trị, X-quang và y học hạt nhân ở nước ta hiện nay vẫn còn thiếu, nhất là cán bộ có đủ chuyên môn, trình độ khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao, hiện đại.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nhân lực được đào tạo trong nước chưa đáp ứng được với nhu cầu và sự phát triển của công nghệ. Thực tế đòi hỏi Bệnh viên TW Quân đội 108 phải chú trọng đến việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, đặc biệt là trong y học hạt nhân và xạ trị nói riêng là những chuyên ngành có bước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà (trái) tại buổi giao lưu trực tuyến

Chúng tôi đã tổ chức nhiều loại hình huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và gắn liền với tự đào tạo, đào tạo liên tục, phối hợp đào tạo trong nước và ngoài nước, tận dụng hợp tác quốc tế với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và hợp tác với các nước tiên tiến trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Bỉ...

Hiện nay tại Việt Nam, khâu yếu trong ứng dụng bức xạ vào y học là chưa có hệ thống đào tạo cán bộ chuyên khoa xạ trị, bao gồm cả y học và kỹ thuật một cách đầy đủ - đặc biệt là đào tạo chuyên ngành sâu của xạ trị, X-quang và y học hạt nhân.

PV: Vậy giải pháp nào để đẩy mạnh ứng dụng bức xạ trong chẩn đoán và điều trị thưa ông?

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà: Chiến lược và kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cho ngành Năng lượng nguyên tử nói chung và Y học hạt nhân ở Việt Nam nói riêng những cơ hội và thách thức mới. Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả định hướng, kế hoạch của Chính phủ và ngành y tế, cần có sự chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên của hệ thống quản lý nhà nước, của Bộ Y tế, Bộ KH&CN và các bệnh viện trong và ngoài quân đội... Các định hướng phát triển của lĩnh vực y học hạt nhân nên tập trung vào một số vấn đề như:

- Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trong lĩnh vực y học hạt nhân bao gồm: bác sĩ, kỹ sư vận hành cyclotron và y vật lý, đội ngũ hóa- dược phóng xạ, kĩ thuật viên y học hạt nhân... Tiến hành các nghiên cứu đa trung tâm về công nghệ hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh... liên quan đến y học hạt nhân, hóa- dược phóng xạ và ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị.

- Đẩy mạnh việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến TW như PET/CT, PET/MRI, SPECT/CT để khai thác sử dụng trong nghiên cứu về y học hạt nhân, phát triển dược phóng xạ và ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực các thiết bị chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân thiết yếu, phù hợp với trình độ nguồn nhân lực và hoàn cảnh địa phương như : gamma camera, SPECT, SPECT/CT, đo độ tập trung tuyến giáp, các thiết bị đo liều, an toàn bức xạ...

- Tiếp tục đầu tư và mở rộng phạm vi nghiên cứu và sản xuất các đồng vị và dược chất phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân và các trung tâm cyclotron đã và đang xâ dựng trong nước. Mở rộng việc ứng dụng các DCPX khác ngoài  F-FDG để giải quyết các vấn đề bệnh học và dược học ở mức độ phân tử, khắc phục các khó khăn của F-FDG trong lâm sàng và nghiên cứu khoa học. Phát triển hình ảnh phân tử (molecular imaging) bằng các DCPX khác nhau được cyclotron sản xuất tại chỗ phù hợp trình độ và khả năng của trang thiết bị, nhân lực cũng như bệnh lý ở nước ta. Mở rộng việc điều trị bệnh bằng các DCPX nguồn hở, nhất là với ung thư. Đưa ra các kĩ thuật mới như cấy hạt phóng xạ, dùng micropheres gắn Y-90 điều trị một số bệnh nhân ung thư gan, phát triển xạ hình miễn dịch RIS và điều trị miễn dịch phóng xạ (Raduoimmunotherapy) với các tiến bộ của các DCPX là các kháng nguyên, kháng thể và receptor đánh dấu đồng vị phóng xạ phát beta và alpha.

- Mở rộng ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân vào nhiều chuyên khoa khác nhau và phạm vi rộng (tuyến tỉnh và khu vực) nhằm mang lại thuật lợi cho các chuyên khoa khác và lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Ứng dụng các kỹ thuật thăm dò chức năng chẩn đoán, ghi hình SPECT, SPECT/CT trong các bệnh tim mạch, tiêu hóa, thiết niệu, tâm- thần kinh, ung thư, nội tiết, bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng, nhi khoa. Mở rộng các ứng dụng PET/CT trong chẩn đoán các bệnh tim mạch, tâm thần kinh...

- Ứng dụng các thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phối hợp với chẩn đoán hình ảnh và YHHN tạo ra các chương trình phần mềm tốt hơn trong thực hành lâm sàng và tái tạo các hình ảnh không gian giúp ích cho chẩn đoán và điều trị.

PV: Triển vọng phát triển y học hạt nhân ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

PGS.TS. Bác sĩ. Lê Ngọc Hà:  Nếu chúng ta thực hiện đúng theo Chiến lược và kế hoạch ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển ngành y học hạt nhân thì ngành y học hạt nhân thực sự sẽ có triển vọng tốt đẹp, có thể hội nhập hoàn toàn với các nước trong khu vực và tiếp cận được một số thành tựu y học hạt nhân tiên tiến của một số nước phát triển. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức, chỉ đạo và nỗ lực vượt bậc của chuyên ngành y học hạt nhân triển khai toàn diện và đông bộ các dự án về đào tạo, đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, dược chất phóng xạ,...

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp (lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner