Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 20/04/2024 , 05:17 pm
Cập nhật : 19/07/2016 , 19:07(GMT +7)
Nông dân học hết lớp 7 chế tạo trực thăng phun thuốc sâu
Hiện chiếc máy bay này đã hoàn thiện được 70%, đang trong quá trình hoàn thiện để xin thử nghiệm
“Chiếc trực thăng này sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong việc phun thuốc sâu ở các cánh đồng rộng, trang trại lớn; đảm bảo sức khỏe con người hơn”, ông Lê Văn Thỏa -"kỹ sư" nhà ông mới học hết lớp 7 hào hức nói về chiếc trực thăng phun thuốc sâu của mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền núi huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), do hoàn cảnh gia đình gặp quá nhiều khó khăn, ông Lê Văn Thỏa (SN 1965, trú Khu Công nghiệp thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp) chỉ được học hết lớp 7 đã phải nghỉ giữa chừng. Sau khi nghỉ học, ông đi bộ đội rồi được đơn vị phân vào lớp sửa chữa vũ khí đạn dược. Đến tháng 7/1987, ông xuất ngũ với giấc mơ trở về quê nhà lập nghiệp.

Vốn xuất thân là con nhà nông, thấy người nông dân lam lũ vất vả, mỗi lần đến mùa phun thuốc sâu họ phải chịu mùi thuốc độc hại, ông Thỏa nghĩ đến chuyện chế tạo chiếc trực thăng phụ vụ cho việc phun thuốc trừ sâu. 

Trong một lần lên mạng xem video một cụ già 70 tuổi ở nước ngoài chế tạo thành công chiếc trực thăng, thấy vậy ông Thỏa liền nghĩ đến chuyện tại sao họ làm được mà mình không làm được. Ông nghĩ rằng nếu làm được chiếc trực thăng như vậy sẽ dùng vào việc phun thuốc sâu cho cả cánh đồng rộng lớn, sẽ chữa cháy rừng một cách hiệu quả.

Nghĩ là làm, ngay sau đó ông Thỏa bắt tay vào thiết kế mô hình với sự trợ giúp của một người thợ lành nghề trong xưởng. Mọi chuyện đều được ông Thỏa và người thợ giữ bí mật, không cho vợ và gia đình biết.

Để có đủ linh kiện chế tạo trực thăng, ông Thỏa đã mua 1 chiếc xe Toyota loại 4 chỗ hết niên hạn sử dụng, lấy động cơ của xe này chế thành động cơ máy bay. Riêng 3 chiếc bánh mới của xe máy Attila trở thành 3 chiếc bánh máy bay. Các bộ phận khác như phanh, hệ thống lái cánh đuôi, bộ phận điều khiển cánh nâng trên, đồng hồ công tơ mét, đèn, gương, ghế ngồi, bánh lái, đuôi máy bay... hầu hết được ông tìm kiếm, mua lại từ các cửa hàng đồng nát và một số phụ kiện tự chế khác.

Chiếc máy bay được thiết kế từ các động cơ ô tô, xe máy…

Được biết, chiếc trực thăng này dài 3,5 m, cao 2,7 m, điểm rộng nhất của thân là 2,2 m, quạt nâng nằm trên đỉnh máy bay có độ sải cánh 5m, đuôi có in hình lá cờ tổ quốc... Theo thiết kế, khi cất cánh thành công, máy bay có thể đạt độ cao tối đa 300m, tốc độ tối đa có thể đạt 100 km/h và nhiên liệu để hoạt động liên tục trong 3 giờ. Chiếc trực thăng này cũng có thể mang được khoảng 2 tạ vật dụng đi theo. Ước tính chi phí khi hoàn thiện máy bay là 120 triệu đồng. Hiện tại, chiếc máy bay đã hoàn thiện 70% và đang hoạt động thử.

Nếu thành công và được sự cho phép của cơ quan chức năng chiếc trực thăng sẽ dùng vào việc phun thuốc sâu, chữa cháy

Theo ông Lê Văn Thỏa, điều ông mong muốn nhất là sau khi chế tạo thành công chiếc trực thăng này các cơ quan chức năng đồng ý và cho phép thử nghiệm. Ngoài thỏa mãn sự đam mê sáng tạo, ông Thỏa còn cho biết sự quan trọng khi chế tạo thành công chiếc trực thăng: “Có trực thăng chữa cháy sẽ không mất công sức người, không nguy hiểm đến tính mạng con người khi tham gia chữa cháy. Không những thế, nó còn giúp cho việc phun thuốc sâu ở các cánh đồng rộng, trang trại lớn tiết kiệm thời gian, đảm bảo sức khỏe con người hơn”.

Nói về ý tưởng của ông Thỏa, chính quyền sở tại cho biết họ rất khuyến khích mọi người đam mê sáng tạo, thế nhưng cần phải đăng ký, thông qua các cơ quan chức năng để được nghiên cứu cấp phép thử nghiệm.

 

Nguồn tin: Khám Phá

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner