Sở hữu trí tuệ Thứ năm, 25/04/2024 , 05:41 pm
Cập nhật : 09/06/2021 , 16:06(GMT +7)
Khoa học và công nghệ góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu vải thiều Bắc Giang
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chứng kiến Lễ công bố Văn bằng bảo hộ CDĐL vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản
Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước là các thị trường xuất khẩu chủ đạo của quả vải Bắc Giang. tham dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp thu mua vải thiều ở trong và ngoài tỉnh.

Bắc Giang được biết đến là vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích gần 50 nghìn ha. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, với nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến, tiêu biểu là vải thiều.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch COVID-19, Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng. Là vùng nổi tiếng trồng vải, trái vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...

Đến nay, sản lượng vải thiều của Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với năm 2020. Năm 2021, trước những khó khăn của dịch Covid-19, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự chung tay của cả nước, Bắc Giang đã khống chế, quản lý chặt các đối tượng F0, không để dịch bệnh lây ra cộng đồng. Song song với đó, Bắc Giang có những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều Lục Ngạn an toàn, không dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, vải thiều của Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Các đại biểu nhấn nút khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng trên các Sàn thương mại điện tử: Alibaba, yunnan.cn, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, postmart.vn; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo…

Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị như: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart+, Saigon Co.op…, các chợ đầu mối hoa quả ở TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai...

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Các vùng trồng vải thiều đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.

Thông qua hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn mong muốn, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các cơ quan truyền thông và các địa phương trong nước và các nước trên thế giới tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang thực hiện các chương trình tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19; thông tin, kết nối tiêu thụ vải thiều với thông điệp "Vải thiều Bắc Giang an toàn với dịch Covid-19", "Vải thiều Bắc Giang chất lượng cao, không Covid-19".

Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ vào sản xuất vải 

Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản cho đại diện Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017, theo đó Chính phủ hai nước đã khẳng định sẵn sàng tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào Nhật Bản thông qua hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong đó có sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang.  

Sau gần 02 năm, với chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự nỗ lực của Lãnh đạo và các đơn vị chức năng của Cục SHTT, và sự phối hợp của các cơ quan của tỉnh Bắc Giang, ngày 12/3/2021 vải thiều Lục Ngạn đã được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với số đăng ký là 107. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên trong số 3 chỉ dẫn địa lý được Bộ KH&CN hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Hiện 02 chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Mê Thuột đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của MAFF.

Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã luôn đồng hành phối hợp với tỉnh Bắc Giang kiên trì thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ vào sản xuất như kỹ thuật canh tác, chăm sóc; thu hoạch, sơ chế, áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội.

Thảo luận tại các điểm cầu, các đại biểu tập trung về các vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước. Thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phương thức này càng trở nên tiện ích, ưu thế vượt trội khi dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Việc Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Hội nghị trực tuyến từ tỉnh Bắc Giang đến các điểm cầu trong nước và quốc tế là minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư; sự quan tâm giúp đỡ, đồng hành của các tỉnh, thành phố bạn; sự phối hợp chặt chẽ, rất trách nhiệm của các bạn Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapore; sự đồng hành của doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, với quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, hướng tới mùa vụ vải thiều thắng lợi.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm cao, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các vị đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương tin tưởng năm 2021 tiếp tục là năm thành công của người dân trồng vải thiều, của doanh nghiệp, thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều.

Các đại biểu cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ Khai trương “Gian hàng vải thiều trên Sàn Alibaba.com và các Sàn Thương mại điện tử” và Lễ xuất hành Đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế (tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang)... Những sự kiện quan trọng này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang được thông quan thuận lợi, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner