Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 20/04/2024 , 01:17 am
Cập nhật : 25/08/2016 , 16:08(GMT +7)
Dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia: Đào tạo những nhà nghiên cứu trẻ đạt tầm quốc tế
Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia cần đạt được là đào tạo, bồi dưỡng những nhà nghiên cứu trẻ có khả năng đạt tầm quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về phóng xạ môi trường. Đây cũng là điều chúng tôi hướng đến khi thực hiện các dự án nghiên cứu, để qua đó có được những gương mặt triển vọng bổ sung vào đội ngũ các nhà khoa học của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM).

Theo kinh nghiệm mà chúng tôi có được trong quá trình triển khai các dự án ở nhiều hướng nghiên cứu khác, việc đào tạo nhân lực là điều không dễ thực hiện bởi để có được một hệ thống cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị hiện đại trong bối cảnh kinh phí đầu tư không nhiều đã là chuyện khó nhưng để có được những con người có khả năng thực hiện nghiên cứu và tiến tới đảm trách các hướng nghiên cứu ưu tiên của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam lại càng khó hơn. 

Trong quá trình chuẩn bị cho dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, chúng tôi càng nhận thấy sự cần thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực. Gần đây, trong một lần làm việc với Sở Tài nguyên và môi trường một địa phương, chúng tôi được biết các cán bộ của Sở cũng tiến hành quan trắc phóng xạ môi trường khá đều đặn nhưng công việc đơn thuần chỉ dừng lại ở mức đo đạc và ghi lại số liệu. Bản thân họ cũng không biết dùng số liệu thu thập được để làm gì, có tin cậy không, phân tích và đánh giá chúng ra sao. Rõ ràng để làm được điều này, cần phải có những nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, có trình độ cao, biết phân tích và giải mã số liệu thu được, đưa những số liệu đó thành các tài liệu tham khảo hữu dụng, phục vụ những đề tài nghiên cứu sau này, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế.

Ở đây có một câu hỏi đặt ra, việc thiết lập dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đòi hỏi những năng lực chuyên môn nào của các nhà nghiên cứu? Đối với VINATOM, có thể thấy mấu chốt của dự án này nằm ở hai khía cạnh: 1. Năng lực thiết kế, chế tạo một số thiết bị quan trắc cũng như nội địa hóa một phần các thiết bị ngoại nhập, đặc biệt là thiết bị đo xenon; 2. Năng lực giải các bài toán ngược từ các con số, dữ liệu máy móc thu thập được để trong trường hợp xảy ra sự cố phát tán phóng xạ từ một cơ sở hạt nhân nào đó trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, xác định sớm phóng xạ từ đâu đến, mức độ trầm trọng của sự cố, khả năng phóng xạ phát tán, từ đó có phương án ứng phó phù hợp… 

Tuy xác suất xảy ra rò rỉ phóng xạ là vô cùng thấp, nhưng vẫn “có thể”, và gần chúng ta như từ các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành, thậm chí có thể từ tàu ngầm hạt nhân, hay tàu sân bay ngoài Biển Đông. Điều đó càng bức thiết hơn khi hiện nay, các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần Việt Nam đã đưa vào vận hành, Campuchia cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Để đáp ứng được những yêu cầu này, chúng tôi đã xây dựng được một nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (các đơn vị khác trong VINATOM phối hợp) có khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị quan trắc phóng xạ, từng chế tạo và lắp đặt nhiều thiết bị như cảnh báo phóng xạ treo tường, phổ kế gamma xách tay, hệ thống đo độ tập trung tuyến giáp, máy đo phóng xạ điện tử... Thông qua việc thực hiện đề tài KC 05.16/11-15 “Nghiên cứu chế tạo thiết bị quan trắc và cảnh báo phóng xạ”, một thiết bị đo suất liều trực tuyến cần thiết cho dự án, nhóm nghiên cứu này đã đào tạo được ba thạc sỹ trẻ trong lĩnh vực điện tử hạt nhân. Trên cơ sở này, chúng tôi hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo của các thành viên trẻ thông qua việc làm chủ thiết kế thiết bị đo xenon. Khi quyết định lựa chọn nhà cung cấp thiết bị đo xenon, chúng tôi sẽ cử một, hai thành viên có khả năng nắm bắt công nghệ tới quốc gia sản xuất (và nước khác) để học hỏi. Nhiệm vụ của họ lúc đó sẽ là nghiên cứu cách thiết kế, vận hành và bảo dưỡng để sau đó tiến hành nội địa hóa, lắp đặt một số chi tiết thiết bị… Đây cũng là cách Hàn Quốc từng áp dụng thành công khi học hỏi phương pháp thiết kế, chế tạo thiết bị đo xenon của Nga cách đây nhiều năm và giờ đây, chúng ta cũng nên vận dụng nó, không chỉ để tiết kiệm kinh phí mà còn chủ động trong việc bảo dưỡng, vận hành máy móc. Về lâu dài, việc tạo điều kiện cho các gương mặt trẻ tiếp cận công nghệ tiên tiến cũng sẽ là cơ hội để chúng tôi đẩy mạnh việc xây dựng dần nguồn nhân lực về điện tử hạt nhân, qua đó có thể sản xuất ra nhiều thiết bị ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp… 

Chúng tôi cho rằng không đơn giản là cứ làm ra các trạm quan trắc, mua trang thiết bị đắt tiền và cử ai đó đến làm việc, điều quan trọng là phải có những nhà nghiên cứu có thể hiểu các con số và sử dụng được nó, để các con số phục vụ con người một cách hiện quả nhất.

Trần Chí Thành

Về năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực phóng xạ môi trường, hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tập hợp và xây dựng được một nhóm nghiên cứu về phóng xạ môi trường với sự tham gia của Giáo sư Phạm Duy Hiển, TS. Nguyễn Hào Quang và một số nhà nghiên cứu từ các Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt… Họ sẽ là những người đảm trách chính công việc phân tích, xử lý số liệu mà các thiết bị máy móc đặt ở các trạm quan trắc gửi về, công việc mà bài viết “Thổi hồn vào những con số để chúng biết nói”1 của giáo sư Phạm Duy Hiển đã nhắc đến. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian qua khi thực hiện nhiều nghiên cứu về phóng xạ môi trường, đội ngũ nghiên cứu ở lĩnh vực này là thế mạnh của Viện, tuy nhiên điều chúng tôi lo ngại nhất là hầu hết các thành viên của nhóm đều đã khá lớn tuổi. Vì vậy việc bổ sung thêm những gương mặt mới, những nhà nghiên cứu trẻ có khả năng đảm trách công việc và đủ khả năng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ những người đi trước là điều hết sức cần thiết. Đây cũng là điều quan trọng đặt ra cho chúng tôi khi thực hiện dự án này và thậm chí là quan trọng với cả tương lai của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ nguồn để duy trì và phát triển hướng nghiên cứu ưu tiên. Trong những năm gần đây, việc đào tạo cán bộ của Viện Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam luôn được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã cử khoảng 15 đến 17 gương mặt trẻ tiềm năng đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, Nga, Nhật Bản… nhưng hầu hết đi theo hướng nghiên cứu phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân. Chúng tôi đặt hy vọng trong quá trình thực hiện dự án sẽ phát hiện và đào tạo được thêm một số nhà nghiên cứu trẻ. 

Do đó, khi đề xuất dự án Mạng lưới quan trắc phóng xạ và cảnh báo môi trường quốc gia, chúng tôi cho rằng không đơn giản là cứ làm ra các trạm quan trắc, mua trang thiết bị đắt tiền và cử ai đó đến làm việc, điều quan trọng là phải có những nhà nghiên cứu có thể hiểu các con số và sử dụng được nó để các con số phục vụ con người một cách hiệu quả nhất.

 

 

 

 

 

Nguồn tin: Tạp chí Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner