Năng lượng nguyên tử Thứ tư, 17/04/2024 , 01:30 am
Cập nhật : 26/10/2017 , 19:10(GMT +7)
Chuẩn bị hạ tầng cơ sở quốc gia cho ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Trong ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân có ba điểm cần quan tâm đó là: công tác chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, phong cách lãnh đạo và công tác truyền thông.

Ông Đặng Thanh Lương – Nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết như trên tại Hội thảo“Công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở quốc gia cho ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân” diễn ra ngày 26/10 tại Hà Nội, do Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia tổ chức.

Tham dự Hội thảo có các thành viên Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số Sở KH&CN (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu).

Hội thảo là bước khởi đầu và cũng là dịp để các Bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng nhau đánh giá công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở của đơn vị mình trong tổng thể của bản Kế hoạch. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải cho biết, ngày 16/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 884/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch ƯPSCBXHN quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định rõ hệ thống tổ chức ƯPSCBXHN cấp quốc gia, quy định trách nhiệm và sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh nơi xảy ra sự cố và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia cũng như trong tổ chức thực hiện.Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, các Bộ, ngành có liên quan đã có các hoạt động chuẩn bị để triển khai công việc theo trách nhiệm được giao trong bản Kế hoạch. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá về công tác chuẩn bị Kế hoạch ƯPSCBXHN; giới thiệu về hệ thống ƯPSCBXHN của Việt Nam, các văn bản pháp luật có liên quan; giới thiệu Quyết định số 884/QĐ-TTg; các bài học kinh nghiệm rút ra từ từ các sự cố xảy ra trong nước; thảo luận về công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở quốc gia cho ƯPSCBXHN.

Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng ƯPSCBXHN, ông Lê Quang Hiệp – Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng, rủi ro phóng xạ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, môi trường và có thể gây ra các ảnh hưởng xuyên quốc gia. Do vậy, các quốc gia cần phát triển hạ tầng của mình để bảo đảm sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các sự cố bức xạ, hạt nhân từ các hoạt động trong nước cũng như từ ảnh hưởng do sự cố từ các quốc gia khác. 

Toàn cảnh Hội thảo

“Việc xây dựng năng lực ƯPSCBXHN nhằm kiểm soát các mối nguy hiểm liên quan đến các ứng dụng bức xạ, hạt nhân; ngăn chặn tai nạn xảy ra; ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân; và giảm thiểu hậu quả gây ra bởi sự cố đối với con người và môi trường”, ông Lê Quang Hiệp cho hay.

Chia sẻ về các bài học kinh nghiệm rút ra từ các sự cố bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam, ông Đặng Thanh Lương – Nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, trong ứng phó có 3 điểm cần quan tâm đó là: công tác chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, phong cách lãnh đạo và công tác truyền thông. 

Theo ông Đặng Thanh Lương, khi có sự cố cần có sự chuẩn bị tốt, định kỳ tổ chức huấn luyện, diễn tập, cần có sự phối hợp trao đổi thường xuyên giữa các lực lượng tham gia ứng phó, công tác chỉ đạo cần được xác định rõ ràng, khoa học, vai trò quan trọng của công tác thông tin đại chúng, cần có những cuộc trao đổi trực tiếp với giới truyền thông để cập nhật thông tin chính thức tới công chúng nhằm tạo dựng niềm tin của công chúng đối với cơ quan chuyên môn.

Được biết, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là cơ quan phối hợp liên ngành, có chức năng chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác ứng phó sự cố trong phạm vi cả nước và hợp tác khu vực, quốc tế; trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy hiện trường và các tổ chức tham gia ứng phó sự cố. 

Các tổ chức tham gia ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, địa phương nơi sự cố xảy ra hoặc bị ảnh hưởng bởi sự cố, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc  bức xạ gây ra sự cố, tổ chức, cá nhân khác được huy động tham gia ứng phó sự cố.

Mục tiêu Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia:

- Thiết lập hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (sự cố);

- Bảo đảm việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực cần thiết nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người, môi trường và tài sản khi xảy ra sự cố;

- Bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành và chỉ huy ứng phó sự cố tuân theo nguyên tắc thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố.

Bài, ảnh: Hà Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner