Năng lượng nguyên tử Thứ sáu, 29/03/2024 , 04:12 am
Cập nhật : 15/12/2016 , 17:12(GMT +7)
2011-2016: Nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã đi vào đời sống
TS. Hoàng Anh Tuấn tham gia giao lưu trực tuyến tại báo Đất Việt sáng 15/12
Ngày nay trên thế giới, năng lượng nguyên tử (NLNT) được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, ứng dụng NLNT có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã chia sẻ với bạn đọc xoay quanh vấn đề này.

PV: Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006. Lĩnh vực phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đặt ra như thế nào trong Chiến lược, thưa ông?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Ở Việt Nam, Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 với mục tiêu chung là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước.

Trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, Chiến lược đặt ra mục tiêu là “ứng dụng rộng rãi, hiệu quả năng lượng bức xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, phục vụ nhu cầu, xã hội như chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từng bước chế tạo các trang thiết bị sử dụng năng lượng bức xạ, tiến tới làm chủ một số công nghệ năng lượng bức xạ hiện đại”.

Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho ứng dụng NLNT trong từng lĩnh vực như: y tế, công nghiệp, nông nghiệp, khí tượng - thủy văn và địa chất - khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24/06/2010). Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể, các Bộ, ngành đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực Y tế, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài nguyên và môi trường đến năm 2020. Cụ thể: “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020” (Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 02/06/2010); “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020” (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2011); “Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế-kỹ thuật khác đến năm 2020” (Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 20/01/2011); “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020” (Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04/11/2011).

Thực hiện vai trò là cơ quan quản lý và hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để triển khai các nhiệm vụ về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2011 – 2016, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã đạt được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trong đó có một số lĩnh vực được ghi nhận ở tầm khu vực và trên thế giới.        

PV: Công nghệ bức xạ đã được ứng dụng khá rộng rãi trên thế giới, xin ông cho biết, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ đã được triển khai ở Việt Nam như thế nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Công nghệ bức xạ là một lĩnh vực KH&CN chuyên khai thác những ứng dụng của chùm bức xạ phát ra từ các nguồn phóng xạ hoặc các máy gia tốc. Ở các nước trên thế giới, công nghệ bức xạ có rất nhiều ứng dụng và cho hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao, chẳng hạn trong lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng công nghệ bức xạ cho sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, Nhật Bản đạt quy mô kinh tế 37 tỷ USD và 28 tỷ USD. Có thể nói đây là một lĩnh vực rất tiềm năng, cần đầu tư nghiên cứu, phát triển ở nước ta.

Ở nước ta, ứng dụng công nghệ bức xạ đã được triển khai trong các lĩnh vực, đặc biệt là chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu thủy hải sản, hoa quả sang các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Úc và Nhật Bản, khử trùng dụng cụ y tế, chế tạo các vật liệu nhờ xử lý bức xạ. Việt Nam hiện có 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp ở Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Cần Thơ, được đánh giá là một trong những nước có số lượng các thiết bị tương đối nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á: Thái Lan 4 máy (3 Co, 1 EB), Indonesia 4 máy, Malaysia (6 máy). Ở Việt Nam, doanh thu từ chiếu xạ ở quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu đối với các mặt hàng thủy sản, hải sản…vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc…đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ngoài hoạt động nghiên cứu - triển khai về công nghệ bức xạ, các đơn vị này thường xuyên cung cấp các dịch vụ chiếu xạ quy mô công nghiệp và bán công nghiệp, đặc biệt là dịch vụ chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu thủy hải sản và hoa quả.

VINAGAMMA thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ Co-60 và đã cử chuyên gia sang hỗ trợ cho Cuba trong việc triển khai dự án khôi phục thiết bị chiếu xạ tại Viện nghiên cứu thực phẩm La Habana Cuba. VINAGAMMA sử dụng các thiết bị SVST-Co60/B (phát tia gamma) và thiết bị UELR-10-15T (phát tia điện tử) cho mục đích chiếu xạ khử trùng dụng cụ y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ nuôi cấy mô - tế bào. Đầu năm 2016, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cấp dây chuyền công nghệ chiếu xạ công suất 300 tấn quả/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu chiếu xạ thực phẩm, nông sản phía Bắc.

PV: Được biết ở Việt Nam trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Trong giai đoạn 2011 – 2016, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trong đó có một số lĩnh vực được ghi nhận ở tầm khu vực và trên thế giới. Nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã được báo cáo tại Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2016. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:

Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Với phương thức xã hội hóa, nhiều trung tâm y học hạt nhân, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh đã được thành lập với các thiết bị hiện đại, ngang tầm khu vực và trên thế giới như các máy xạ hình SPECT, SPECT/CT, PET/CT, các máy xạ trị cyber knife, gamma knife và các thiết bị chẩn đoán hình ảnh MRI, CT thế hệ mới… Việt Nam hiện có 32 cơ sở y học hạt nhân, trang bị 43 máy xạ hình (đạt tỷ lệ khoảng 0,5 máy/1 triệu dân), 25 cơ sở xạ trị với 53 máy xạ trị (đạt tỷ lệ khoảng 0,6 máy/1 triệu dân). Kỹ thuật xạ hình PET/CT sử dụng 18F-FDG, công nghệ tiên tiến của thế giới hiện đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán - điều trị các bệnh về ung thư, tim mạch và thần kinh tại Việt Nam. Theo thống kê, tổng nhu cầu dược chất phóng xạ (DCPX) trong y tế của Việt Nam hiện nay gần 1400Ci/năm, trong đó Viện nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm (tổng lượng cung cấp trong nước đạt gần 50% nhu cầu, đáp ứng được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch chi tiết). Để có thể đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước như chỉ tiêu trong Kế hoạch chi tiết đặt ra, cần tăng cường sản xuất (DCPX) trên máy cylotron (do lò phản ứng nghiên cứu Đà lạt đã vận hành hết công suất).

Trong nông nghiệp, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chọn tạo giống đột biến, chiếu xạ nông sản cho kiểm dịch thực vật. Tính đến năm 2015, đã tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống, bao gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc,… Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới về đột biến tạo giống, được trao giải thưởng “thành tựu xuất sắc”. Viện Cây ăn quả miền Nam đã có 2 giống nhờ xử lý chiếu xạ tia gamma được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép trồng sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam, đó là giống cam Sành không hạt LĐ6 và giống bưởi Đường lá cam ít hạt LĐ4. Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, với sự hỗ trợ của IAEA, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) đang được các nhà khoa học tại Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai nghiên cứu quản lý ruồi hại quả thanh long diện rộng, nhằm nâng cao chất lượng quả, tạo điều kiện xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

1.     Trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang

Trong công nghiệp, kỹ thuật hạt nhân được ứng dụng trong 4 lĩnh vực chủ yếu là kiểm tra không phá hủy (NDT), hệ điều khiển hạt nhân (NCS), chiếu xạ công nghiệp, kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ (Tracer) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ 3 và thiết bị CT/SPECT công nghiệp có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dầu khí. Thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh do CANTI nghiên cứu, chế tạo đã được xuất khẩu sang 7 nước theo đặt hàng của IAEA. Phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDT) được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nghiên cứu ứng dụng để kiểm tra chất lượng nhiều công trình lớn của quốc gia như cầu Mỹ Thuận, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, các công trình thủy điện,… Kỹ thuật đánh dấu được triển khai trên các mỏ dầu ở Việt Nam và xuất khẩu dịch vụ sang nước ngoài.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và nộp lưu trữ đã hoàn thành và nộp lưu trữ Bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000. Thực hiện Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đã xây dựng Bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho 5 khu đô thị, dân cư lớn và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đến nay, 27 trạm quan trắc phóng xạ đã được xây dựng tại các mỏ có chứa phóng xạ trên 16 tỉnh, thành. Ngoài ra, kỹ thuật thủy văn đồng vị được ứng dụng trong nghiên cứu tài nguyên nước, có đóng góp trong quản lý, khai thác tài nguyên nước ngầm tại khu vực Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long.

PV: Theo ông, trong thời gian tới Nhà nước cần có những biện pháp gì để phát huy hiệu quả cũng như đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong phát triển kinh tế - xã hội?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Nhằm đẩy mạnh các hoạt động quản lý, nghiên cứu và ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cần triển khai các giải pháp chủ yếu sau đây: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và kiện toàn quản lý nhà nước. Cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội…

Ngoài ra, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng NLNT và về an toàn bức xạ, hạt nhân. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương để làm tốt nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực NLNT.

Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN hạt nhân, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế. Thúc đẩy hợp tác song phương với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục triển khai các Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ để có đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Phương Nga (lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner